Khai mở những giá trị tiềm ẩn…

  • 08:40 | Thứ Bảy, 13/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh sống chủ yếu tại các bản làng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Bru-Vân Kiều đã sáng tạo, gìn giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ. Đây không chỉ là nguồn sử liệu quan trọng, làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc mà còn là những ẩn số tiềm năng cho phát triển du lịch.
 
Vốn văn hóa dân gian phong phú
 
Người Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình sinh sống tại các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Kim Thủy, Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy). Qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào Bru-Vân Kiều vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp về văn hóa. Họ tôn thờ thần lúa, xem đây là vị thần quan trọng nhất mang lại ấm no, hạnh phúc. Có lẽ cũng chính vì vậy, đồng bào Bru-Vân Kiều luôn gìn giữ lễ hội Lấp lỗ (trỉa lúa), lễ Mừng cơm mới với ý nghĩa là những lễ hội lớn nhất trong năm.
 
Giữa cái rét ngọt đầu xuân nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, ly rượu mềm môi, già Trần Văn Phúc, người có uy tín tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn kể: "Người Bru-Vân Kiều làm rẫy, làm ruộng theo lịch riêng dựa vào chu kỳ của mặt trăng. Trước mùa vụ mới, đồng bào lại hân hoan tổ chức lễ hội Lấp lỗ. Khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con vật hiến sinh.
Các lễ hội được phục dựng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Các lễ hội được phục dựng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Già làng bước vào giữa vòng, tay rót đầy ly rượu khấn to cầu mong các vị thần giữ gìn, bảo hộ cho hạt giống đã cất giữ kín đáo trong gùi ra trỉa xuống đất được sinh sôi, nảy nở, chắc hạt, nặng bông. Sau lời khấn, một số dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một cái nia trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhảy như người sảy thóc, vừa tiếp tục khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt".
 
Sau lễ Lấp lỗ, khi lúa trên nương đã hoe vàng, người Bru-Vân Kiều lại hân hoan chuẩn bị lễ Mừng cơm mới. “Mấy chị mang gùi đi tuốt lúa sớm, đem về phơi khô hoặc sấy trên lửa, bỏ vào cối đâm ra gạo. Người con trai cố bẫy cho được con thú, thuốc được mấy con cá, một ché rượu cần đem ra rẫy cúng thần rừng, thần lúa và quần tụ gia đình ăn bữa cơm mới” (trích “Địa chí huyện Quảng Ninh” - Đỗ Duy Văn).
 
Ở các lễ hội của người Bru-Vân Kiều, ngoài phần lễ, là lời khấn bày tỏ sự biết ơn trời đất, thần lúa đã cho bà con dân bản mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no; thì phần hội chính là dịp để bà con dân bản cùng uống rượu cần, múa hát, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.
 
Bên cạnh các lễ hội, phong tục tập quán, người Bru-Vân Kiều ở 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy còn có thêm kho tàng văn nghệ dân gian độc đáo. Từ các làn diệu dân ca đến các loại nhạc cụ (sáo Pi, chiêng núm, thanh la…), dù chỉ làm từ vật liệu thiên nhiên với tre, nứa và các loại cây rừng nhưng qua đôi bàn tay lao động khéo léo, khả năng cảm nhận âm thanh tuyệt mỹ, tất cả đều được người Bru-Vân Kiều chế tác thành nhạc cụ độc đáo.
 
Ẩn số phát triển du lịch
 
Di sản văn hóa dân gian của người Bru-Vân Kiều đa dạng và phong phú. Đây không chỉ là nguồn sử liệu quan trọng, làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc mà còn là những ẩn số tiềm năng cho việc hình thành các sản phẩm du lịch, điểm du lịch thu hút khách tham quan thông qua hình thức du lịch văn hóa, du lịch khám phá và du lịch cộng đồng.
 
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch Quảng Bình không thể chỉ chú trọng phát triển độc tôn một hai loại hình mà cần tạo ra sự toàn diện bằng cách gắn kết nhiều loại hình du lịch với nhau. Và với những du khách có mong muốn khám phá lịch sử, văn hóa cùng những phong tục tập quán bản địa thì du lịch cộng đồng với điểm đến là các di tích, lễ hội truyền thống cùng nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thỏa mãn được mong muốn của họ.
Khám phá đời sống người Bru-Vân Kiều được xem là nhân tố mới tiềm năng cho du lịch.
Khám phá đời sống người Bru-Vân Kiều được xem là nhân tố mới tiềm năng cho du lịch.
Về vấn đề này, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên với nhiều hang động kỳ bí, các cánh rừng đại ngàn hoang sơ hùng vĩ, khe suối, thác nước trong xanh cùng với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều hứa hẹn là những điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch.
 
Du khách đến Quảng Bình không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp tráng lệ của các danh lam thắng cảnh mà còn được lắng mình ở nơi lưu giữ chứng tích qua các giai đoạn lịch sử, nơi chứa đựng những tinh hoa văn hóa, linh hồn của địa phương, dân tộc.
 
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cư dân miền núi địa phương trên cơ sở bảo đảm tính nguồn gốc, giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người và lễ hội, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy phục dựng lễ hội Mừng cơm mới với đầy đủ các nét văn hóa đặc trưng của lễ hội truyền thống; phối hợp thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, lập hồ sơ khoa học cho một số di sản đặc sắc, như: lễ hội Lấp lỗ của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
 
Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin: “Hiện tại, công ty đã phối hợp cùng với bà con địa phương, chủ yếu là người Bru-Vân Kiều tại xã Ngân Thủy và Trường Xuân tổ chức các hoạt động tour du lịch khám phá thiên nhiên với khe Nước Lạnh, hang Đại tướng và tìm hiểu văn hóa cộng đồng bà con Vân Kiều trên địa bàn. Các tour du lịch này tuy còn mới mẻ nhưng rất độc đáo, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành những sản phẩm du lịch với sức hấp dẫn cao".
 
Cùng với Công ty Thông tin và Du lịch Netin, Công ty TNHH Coco’Travel cũng đã lập đề án đưa vào khai thác sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng tộc người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Với sản phẩm này, các tour du lịch được xây dựng kết nối sẽ đưa đến cho du khách cơ hội thăm, khám phá các bản làng ở Trường Sơn hùng vỹ, hấp dẫn cùng những điểm đến là: thác Tam Lu, suối Chà Rào, cầu Cây Sú, bản Khe Cát…
 
Khám phá thiên nhiên và văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều hứa hẹn là “nhân tố mới tiềm năng” cho phát triển du lịch. Và trong tương lai, những sản phẩm du lịch độc đáo sẽ thổi "luồng gió mới", tạo sinh kế bền vững cho mảnh đất và con người nơi núi rừng hùng vĩ này.
 
Thanh Hải