Đào tạo nghề nông nghiệp: "Chìa khóa" giảm nghèo bền vững

  • 14:54 | Thứ Hai, 22/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân. Từ đó, giúp người lao động nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Tạo việc làm, tăng thu nhập
 
Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân. Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương đã lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp, bền vững và có khả năng thu hút nhiều lao động tham gia học nghề.
 
Tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp từ năm 2010-2020 là hơn 19.130 người, đạt 76,54% kế hoạch. Số người có việc làm sau khi đào tạo là 12.976 người, đạt 77,94%.
 
Sau các khóa học, người dân nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới; sau học nghề có khoảng 75-80% lao động học nghề áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình. 
Mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập ổn định cho ông Hà Văn Bàng, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).
Mô hình nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập ổn định cho ông Hà Văn Bàng, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).
Một số ngành nghề đào tạo đem lại hiệu quả kinh tế và thu hút số lượng lớn học viên tham gia, như: chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật nuôi bò, kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, trồng nấm, trồng cây ăn quả... Bên cạnh mở các lớp đào tạo nghề cho người dân, ngành Nông nghiệp cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau học nghề, liên kết với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm sau đào tạo cho người dân.
 
Là một trong những học viên tham gia lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chị Nguyễn Thị Lan, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng rau nhiều năm nay nhưng năng suất không cao, khi nắm thông tin có lớp dạy “Kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP”, tôi liền đăng ký tham gia. Sau khi học, cũng như nhiều người khác, tôi dần loại bỏ những tập quán canh tác sản xuất cũ và sử dụng phân hữu cơ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình sản xuất rau an toàn”.
 
Ông Hà Văn Bàng, thôn Phúc Duệ, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) chia sẻ: “Trước đây, thấy bà con nuôi ong nên tôi cũng mua 2 đàn ong về nuôi thử. Tuy nhiên, do tôi thiếu kiến thức nên ong thường bị bệnh. Từ khi được học nghề, tôi đã biết cách phòng trừ bệnh cho ong, biết tách đàn, biết che chắn, chăm sóc đàn ong khi mùa mưa rét đến. Nhờ đó, đàn ong ngày càng tăng lên về số lượng, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện”. Đến nay, gia đình ông Bàng có 30 đàn ong. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 200 chai mật, với giá bán 350.000 đồng/chai, gia đình ông thu về hơn 40 triệu đồng.
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề
 
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết, lao động sau khi học nghề nông nghiệp bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, từ đó, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, lao động nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần vào xây dựng chương trình nông thôn mới của địa phương. 
Lao động nông thôn ứng dụng công nghệ cao trong lao động sản xuất.
Lao động nông thôn ứng dụng công nghệ cao trong lao động sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân còn một số khó khăn và hạn chế. Công tác đào tạo nghề còn thiếu sự gắn kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc đào tạo, bao tiêu sản phẩm và giải quyết việc làm cho người dân sau khi học nghề. Cơ cấu, trình độ đào tạo nghề chủ yếu là ngắn hạn, sơ cấp và lao động giản đơn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Nhu cầu học nghề của người dân rất lớn, trong khi kinh phí hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Công tác hướng nghề, tạo việc làm sau đào tạo còn hạn chế, chưa gắn với vùng nguyên liệu và lợi thế của từng vùng miền…
 
Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Bình đặt mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 25.000 lao động nông thôn; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80-85%.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân, thời gian tới, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề, gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất.

Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn… Công tác đào tạo nghề cũng sẽ gắn với các chương trình trọng điểm của ngành Nông nghiệp, như: chương trình tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...

Có thể thấy rằng, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế-xã hội của bà con, nhất là ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Người lao động sau khi học nghề nông nghiệp đã biết vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào lao động sản xuất, cải thiện chất lượng việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Lan Chi