Đậm đà thịt gà xông khói Quảng Thạch

  • 06:58 | Chủ Nhật, 28/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mong muốn bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho bà con và tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương, chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1984), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng (Quảng Thạch, Quảng Trạch) đã mạnh dạn đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm gà xông khói. Sản phẩm hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến và tạo nên thương hiệu cho địa phương.
 
Vốn là người Nghệ An nhưng năm 21 tuổi, trong một chuyến đi chơi vào Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Hồng đã bén duyên với vùng đất này. Sau khi lập gia đình, chị cùng chồng đã lên lập nghiệp ở vùng đất Quảng Thạch (Quảng Trạch).
 
Chị tâm sự, thời điểm mới lập nghiệp, thấy người ta làm gì có hiệu quả là chị cũng bắt chước làm theo. Thấy nhiều người buôn gà cho thu nhập cao, chị cũng mua gà từ xã Quảng Thạch để buôn vào TP. Đồng Hới kiếm lời. Vào TP. Đồng Hới, thấy nhiều mô hình chăn nuôi gà hiệu quả vậy là chị lại về mở một trang trại nhỏ chăn nuôi từ 150-200 con gà. Vừa chăn nuôi gà, chị vừa mang gà đi bán cho các huyện lân cận và TP. Đồng Hới. Tuy nhiên, do chăn nuôi tự phát, lại không có kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi gà nên có thời điểm cả đàn gà mấy trăm con bị chết vì dịch bệnh.
 
“Sau đợt dịch đó, tôi đã suy nghĩ nếu muốn chăn nuôi lâu dài thì phải có kiến thức chăm sóc, phòng dịch. Vậy là tôi làm hồ sơ đăng ký xin đi học lớp Trung cấp thú y ở TP. Đồng Hới. Học xong trở về, tôi lại quyết tâm mở rộng mô hình để chăn nuôi tiếp!”, chị Hồng tâm sự.
 
Thế nhưng giá gà cũng bấp bênh, thu nhập không ổn định. Sau khi được một cán bộ ở Hội Nông dân tỉnh khuyến khích thành lập tổ hợp tác để chăn nuôi, năm 2016, chị quyết định vận động một số người mở HTX chăn nuôi tổng hợp sạch Nam Hồng Quảng. Ban đầu, HTX chỉ duy trì hoạt động chăn nuôi gà, lợn và liên kết, hỗ trợ nhau trong việc vay vốn, tìm đầu ra. Ngoài ra, với kiến thức học được từ lớp chăn nuôi thú y, chị còn tư vấn cho các hộ thành viên về kỹ thuật nuôi các vật nuôi, xây dựng chuồng trại và xử lý chuồng trại hợp vệ sinh.
 
Hoạt động một thời gian, chị mở thêm dịch vụ làm gà sạch để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, việc mở thêm dịch vụ làm gà sạch cũng không thể giải quyết được vấn đề đầu ra cho HTX. 
Từ khâu chế biến và đóng gói, sản phẩm thịt gà xông khói của HTX Nam Hồng Quảng đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại.
Từ khâu chế biến và đóng gói, sản phẩm thịt gà xông khói của HTX Nam Hồng Quảng đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại.
“Thời điểm đó, mô hình chăn nuôi và chế biến gà sạch đã xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn huyện. Mặc dù chăn nuôi bảo đảm an toàn, nhưng do phải cạnh tranh với nhiều cơ sở chăn nuôi và chế biến khác nên đầu ra của HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu muốn tồn tại và phát triển lâu dài, HTX cần phải có hướng đi mới và khác biệt”, chị Hồng tâm sự. 
 
Để trả lời cho bài toán này, suốt 1 năm liền, chị Hồng đã một mình ngược xuôi ra các tỉnh phía Bắc tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm chế biến gà từ các mô hình HTX chăn nuôi khác. Thấy nhiều mô hình chế biến thịt gà xông khói làm ăn hiệu quả, trở về, chị quyết định đầu tư mua các loại máy móc để phát triển thêm sản phẩm thịt gà xông khói mang thương hiệu Nam Hồng Quảng.
 
Ngoài kiến thức học hỏi được từ các HTX, chị còn lên mạng mày mò học thêm kinh nghiệm. Chị Hồng cho hay: “Làm thịt gà xông khói yếu tố quan trọng nhất là gia vị. Ban đầu, tôi sử dụng công thức của Nga nhưng do đây là sản phẩm kén người tiêu dùng nên dần dần trong quá trình chế biến tôi đã nhiều lần thay đổi và gia giảm gia vị theo khẩu vị của người Việt để người tiêu dùng dễ sử dụng. Hiện nay, tôi đang nghiên cứu thêm công thức gia vị phù hợp với người miền Trung”. Ngoài chế biến sản phẩm thịt gà xông khói mang thương hiệu Nam Hồng Quảng, chị còn thu mua sản phẩm thịt lợn của các thành viên trong HTX để chế biến sản phẩm chân giò xông khói.
 
Theo chị Hồng, sản phẩm an toàn chất lượng là sản phẩm được bảo đảm từ khâu chăn nuôi đến khâu chế biến. Thịt gà, chân giò xông khói sử dụng nguyên liệu từ chính trang trại của chị và các hộ thành viên với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt từ sử dụng con giống, thuốc thú y cho đến thức ăn và khâu chăm sóc. Khâu chế biến sử dụng hoàn toàn bằng máy móc từ vặt lông gà đến đóng gói bao bì sản phẩm.
 
Sản phẩm thịt gà xông khói và chân giò xông khói của HTX Nam Hồng Quảng có tem truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm thịt gà xông khói và chân giò xông khói của HTX Nam Hồng Quảng có tem truy xuất nguồn gốc.
Với phương châm “Sạch từ trang trại đến bàn ăn”, sản phẩm thịt gà, chân giò xông khói của HTX Nam Hồng Quảng được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Các sản phẩm hiện được tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
 
Chị Nguyễn Thị Thủy, TP. Đồng Hới cho biết: "Được người bạn giới thiệu sản phẩm thịt gà xông khói và chân giò xông khói Nam Hồng Quảng, đợt Tết vừa rồi gia đình tôi có mua về sử dụng. Cả hai sản phẩm đều rất ngon và có vị đặc trưng. Thịt gà và chân giò có thể về dùng liền hoặc chế biến thành các món, như: chiên, nướng, xào... Thịt có mùi thơm của khói và vẫn giữ được độ ngọt của thịt gà. Mặc dù là sản phẩm xông khói nhưng có vị vừa phải, không quá mặn. Gói gia vị đi kèm của 2 sản phẩm rất ngon, có vị cay nồng và thơm".
 
Với nhiều nỗ lực, sáng tạo của chị Hồng và các thành viên, HTX Nam Hồng Quảng ngày càng phát triển ổn định. Hàng năm, doanh thu từ chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt gà, chân giò xông khói của HTX đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng.
 
Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Hồng cho biết: “Được sự vận động của chính quyền huyện và xã, thời gian qua, HTX đã dần hoàn thiện các sản phẩm về bao bì, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc... Hiện HTX đang phấn đấu xây dựng sản phẩm thịt gà xông khói trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"). Dự kiến, cuối năm 2021, sau khi hoàn thành xây dựng nhà xưởng chế biến mới, tôi sẽ hoàn tất thủ tục để tham gia phân hạng sản phẩm OCOP”.
 
Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Quảng Trạch, sản phẩm thịt gà xông khói của HTX Nam Hồng Quảng là một trong những sản phẩm tiêu biểu của mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện. Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng trong thời gian qua. Để xây dựng chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã vận động, khuyến khích HTX nâng cao chất lượng và mẫu mã để phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2021.
                                                                                                                             Đoàn Nguyệt