Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

  • 08:15 | Thứ Tư, 27/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 21-12-2020 của Bộ Tài chính, ngày 19-1-2021, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 94/UBND-TH về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Các địa phương, đơn vị cần thực hiện các giải pháp bảo đảm cung-cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết.
Các địa phương, đơn vị cần thực hiện các giải pháp bảo đảm cung-cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, hiệu quả.
 
Cụ thể, giao Sở Tài chính chủ động theo dõi diễn biến cung-cầu và giá cả thị trường để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương...
 
Đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông vận tải thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng cao trong dịp lễ, Tết để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao.
 
Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, bếp ăn của các trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản; phối hợp với Sở Công thương cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu. Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm...
 
Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, pháo, chất nổ...; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; quản lý chặt chẽ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao...
 
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh, Báo Quảng Bình thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành của Nhà nước, tình hình cung-cầu, giá cả thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt, gấy bất ổn thị trường, giá cả.   
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến cung-cầu, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cung-cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân nhằm bình ổn giá thị trường; tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh trên địa bàn thực hiện đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP, không mua bán hàng kém chất lượng, hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...
 
Tâm An