Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình: Kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng

  • 14:41 | Thứ Ba, 26/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thương mại điện tử hiện là kênh bán hàng quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay. Quảng Bình đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh hơn, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Sàn TMĐT) đóng vai trò cầu nối quan trọng.
 
Sàn TMĐT đã khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 6-2013 với địa chỉ tên miền là quangbinhtrade.vn. Đây là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi thông tin, quảng bá thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Sàn TMĐT.
 
Hiện nay, Sàn TMĐT đã có 130 doanh nghiệp đăng ký tham gia với hơn 200 sản phẩm. Sàn đã thu hút nhiều đối tượng tham gia quảng bá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp sạch sản xuất trong tỉnh như: Gạo Lệ Thủy, bánh mè xát Tâm An, dầu mè, dầu lạc Phong Nha, nấm sạch Tuấn Linh, mật ong Tuyên Hóa…
 
Sản phẩm trà Kê Quan Hoa của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dinh Trạm, huyện Lệ Thủy tham gia Sàn TMĐT từ cuối năm 2019 và được Sàn TMĐT hỗ trợ khá hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm đến với khách hàng.
 
Anh Nguyễn Đại Nguyên, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Dinh Trạm cho biết, nhờ tham gia Sàn TMĐT, sản phẩm đã kết nối với nhiều khách hàng hơn, khẳng định được vị thế sản phẩm trong lòng khách hàng, chi phí quảng cáo ít, không tốn mặt bằng và chi phí nhân công bán hàng…
 
Không chỉ sản phẩm trà Kê Quan Hoa của HTX Dinh Trạm mà nhiều sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh được người tiêu dùng biết đến và đặt mua thông qua Sàn TMĐT, như: khoai deo Linh Huệ (Công ty TNHH Linh Huệ), cao lạc tiên, cao cà gai leo (HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến), miến gạo (HTX Sinh Thái Sông Son)…
 
Tuy nhiên, do lĩnh vực thương mại điện tử còn khá mới mẻ nên Sàn TMĐT vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, sàn chưa bán được hàng trực tuyến nên chưa thống kê được số lượng hàng hóa bán ra của các doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp và sản phẩm tham gia sàn còn ít, nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ và chưa "mặn mà" với TMĐT, chưa đầu tư đúng mức cho việc lập, duy trì và nhân lực vận hành website TMĐT.
Mật ong Tuyên Hóa là một trong những sản phẩm nông nghiệp sạch tham gia sàn giao dịch TMĐT.
Mật ong Tuyên Hóa là một trong những sản phẩm nông nghiệp sạch tham gia sàn giao dịch TMĐT.
Theo ông Châu Văn Huệ, Giám đốc Công ty sinh thái miền Tây Quảng Bình, mật ong Tuyên Hóa tham gia Sàn TMĐT từ năm 2016, nhờ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến và tìm đến mua hàng. Tuy nhiên, người dùng chủ yếu kiểm tra thông tin hàng hóa rồi đến cửa hàng mua trực tiếp, chưa bán trực tuyến được trên sàn. Mong muốn của doanh nghiệp trong thời gian tới cần nâng cấp website để bán được hàng trực tuyến, dẫn các đường link của sản phẩm đến các trang của doanh nghiệp, giới thiệu sâu hơn về sản phẩm, công khai giá cả… để người tiêu dùng lựa chọn.
 
Nhằm tạo đòn bẩy để doanh nghiệp tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc ứng dụng TMĐT, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4733/QĐ-UBND, ngày 15-12-2020 về việc phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch nhằm mục tiêu triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TMĐT; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
 
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu 80% website TMĐT của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn có tích hợp bán hàng trực tuyến; 60% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%...
Sàn TMĐT Quảng Bình là nơi kết nối các doanh nghiệp với người tiêu dùng
Sàn TMĐT Quảng Bình là nơi kết nối các doanh nghiệp với người tiêu dùng
Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT, như: tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh thông qua TMĐT; xây dựng thị trường, nâng cao lòng tin đối với người tiêu dùng trong TMĐT; đẩy mạnh TMĐT hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; tuyên truyền, quảng bá nhận thức, hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT…
 
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình cho biết, để khuyến khích các đơn vị tham gia Sàn TMĐT, trung tâm đã hỗ trợ đăng ký miễn phí cho các doanh nghiệp khi tham gia sàn; cấp tài khoản, mật khẩu cho các doanh nghiệp chủ động đăng tải thông tin, hình ảnh, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của đơn vị; hỗ trợ tư vấn về mặt kỹ thuật, xử lý hình ảnh, đăng thông tin sản phẩm và các giao dịch khác trên sàn. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo về TMĐT; những doanh nghiệp chưa có website sẽ được xem xét hỗ trợ xây dựng website…
 
Thanh Hoa