Quảng Trạch: Tạo đà giảm nghèo bền vững

  • 08:01 | Thứ Bảy, 23/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có ý nghĩa lớn đối với những hộ mới thoát nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai là hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại huyện Quảng Trạch, sau 5 năm triển khai, nguồn vốn này đã tiếp sức kịp thời cho hàng nghìn hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.
 
Anh Tạ Văn Thường ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vợ chồng anh không có việc làm, cả gia đình chỉ trông chờ vào vườn rau trước nhà là nguồn thu nhập chính. Năm 2013, anh Thường không may gặp tai nạn, mất sức lao động, lúc này, gia cảnh gia đình anh càng thêm khốn khó. Biết được được thông tin Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Quảng Trạch có chủ trương cho hộ cận nghèo vay vốn làm ăn, anh liền làm hồ sơ để được hỗ trợ vốn vay. 
Mô hình chăn nuôi bò đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Trần Văn Bảy ở thôn 2, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch).
Mô hình chăn nuôi bò đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Trần Văn Bảy ở thôn 2, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch).
Sau khi được ngân hàng cho vay 45 triệu đồng, anh Thường đầu tư cải tạo chuồng trại nuôi bò sinh sản. Quá trình sử dụng vốn hiệu quả, cùng với sự tận tình, chịu khó, gia đình anh Thường đã vươn lên thoát nghèo.
 
Với mong muốn thoát nghèo bền vững, anh Thường mạnh dạn vay thêm 80 triệu từ nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo để cải tạo 3.500m2 đất hoang hóa trồng sen, nuôi cá nước ngọt và kết hợp chăn nuôi bò, gà, vịt… Với thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm, gia đình anh Thường trở thành một trong những gia đình điển hình thoát nghèo bền vững của xã và huyện. “Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH như phao cứu sinh giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn và cũng nhờ nguồn vốn này, tôi có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó, vươn lên ổn định cuộc sống”, anh Thường chia sẻ.
 
Chị Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch cho biết, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được thực hiện từ năm 2015. Đối tượng được vay vốn là hộ đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định.
 
Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững vì hầu hết điều kiện kinh tế của những hộ mới thoát nghèo tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ rơi vào tình trạng tái nghèo nếu gặp rủi ro. Từ năm 2019, chương trình được nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ.
 
Để hỗ trợ người dân tiếp cận kịp thời vốn vay, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch đã giao cho cán bộ tín dụng phụ trách xã, tuyên truyền về mức vay mới, lãi suất, kết hợp cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn bà con làm hồ sơ vay vốn. Các hồ sơ vay vốn được xem xét, thẩm định nhanh, bảo đảm đúng đối tượng, mục đích vay và giải ngân kịp thời cho các hộ vay.
 
Từ năm 2015 đến nay, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch đã giải ngân gần 200 tỷ đồng, cho 3.666 hộ vay sản xuất kinh doanh. Trong đó, riêng năm 2020, doanh số cho vay hộ mới thoát nghèo đạt hơn 66 tỷ đồng. Một số xã có dư nợ lớn, như: Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Tiến, Quảng Phương…
 
Anh Trần Văn Bảy ở thôn 2, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Tháng 6-2020, anh vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay cho hộ mới thoát nghèo của PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch để phát triển mô hình chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay ban đầu, anh Bảy đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò, gà, vịt và trồng rừng kinh tế. Không quản nắng mưa, ngày đêm cần cù, vất vả, sau hơn nửa năm, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, gia đình anh Bảy đang trồng 2ha keo tràm, 2ha khoai, sắn và hàng trăm con gà, vịt...Mỗi năm, anh thu về hơn 150 triệu đồng.
 
"Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà cho các hộ thoát nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 
Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng vốn, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng cho hộ mới thoát nghèo, giúp bà con sớm có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh”, chị Nguyễn Thị Thu Nga cho hay.
 
Có thể khẳng định, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được xem là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
                                                                                                                                                                     L.Chi