Nghị quyết… đưa trâu bò về chuồng!

  • 07:47 | Chủ Nhật, 10/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2012, Đảng ủy xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU về việc quản lý phát triển chăn nuôi đàn trâu bò của xã giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt Nghị quyết 03). Thực hiện Nghị quyết, đàn trâu bò đã được các gia đình đưa về chuồng quản lý, chăm sóc, chất lượng đàn được nâng lên, tình trạng dịch bệnh, mất cắp, nhầm lẫn trâu bò, ô nhiễm môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể…
 
Trước đó, bà con nơi đây nuôi trâu bò chủ yếu theo hình thức thả rông cả ngày lẫn đêm trong rừng. Việc thả rông trâu bò thiếu sự quản lý, chăm sóc dẫn đến công tác tiêm phòng chưa triệt để, chất lượng đàn thấp, tình trạng dịch bệnh lây lan bùng phát khó kiểm soát. Nhiều vụ việc trộm cắp, tranh chấp trâu bò thường xảy ra. Đàn trâu bò thả rông còn gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, lãng phí nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
 
Để giải quyết những tồn đọng trên, tháng 4-2012, Đảng ủy xã Hóa Sơn đã ban hành Nghị quyết 03. Ông Bàn Văn Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn, người trực tiếp ký Nghị quyết 03 nhớ lại: “Thực hiện nghị quyết, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trâu bò phải làm chuồng trại theo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, mái cứng, khung cứng) để nhốt, không để trâu, bò phá hoại hoa màu, cây trồng của nhân dân, phóng uế bừa bãi trên các trục đường liên thôn, bản gây mất vệ sinh, ảnh hưởng mỹ quan. Khi mới triển khai, một số bà con cũng phản ứng vì lo thiếu đồng cỏ cho trâu bò ăn, lại mất thời gian, tiền của để làm chuồng trại. Nhưng khi hiểu ra được mục đích, ý nghĩa của nghị quyết, bà con cơ bản đồng thuận, thực hiện theo”. 
Thực hiện Nghị quyết 03, người dân Hóa Sơn không còn thả rông trâu bò.
Thực hiện Nghị quyết 03, người dân Hóa Sơn không còn thả rông trâu bò.
Bên cạnh đó, UBND xã Hóa Sơn cũng đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 03 do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Xã còn có các tổ tự quản tại các thôn, bản do đồng chí trưởng ban công tác Mặt trận thôn, bản làm tổ trưởng.
 
Ông Nguyễn Tuyên, trưởng thôn Đặng Hóa tâm sự: “Thực hiện quản lý việc đưa trâu bò về chuồng, tôi cùng các thành viên trong tổ tự quản tổ chức tuần tra thường xuyên trên các trục đường, khu chăn nuôi của người dân để theo dõi, nắm bắt tình hình. Nếu phát hiện gia đình nào không đưa trâu bò về chuồng vào buổi tối sẽ nhắc nhở, nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền và nêu ra trước thôn. Còn hộ nào thả rông, để trâu bò phá hoại mùa màng của bà con, phóng uế ra đường sẽ xử phạt với số tiền 200 nghìn đồng”.
 
Các tổ chức mặt trận, đoàn thể cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức, phối hợp với UBND xã tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tự giác làm chuồng trại để đưa trâu bò về chuồng buổi tối. Riêng cấp trưởng, phó các tổ chức hội, chi hội được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra đoàn viên, hội viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 03 kết hợp phong trào thi đua sạch thôn, sạch bản, sạch ngõ xóm.
 
Các chi bộ cũng đưa nội dung Nghị quyết 03 vào sinh hoạt hàng tháng; đồng thời, phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên phụ trách các hộ gia đình, đôn đốc bà con nuôi trâu bò phải làm chuồng trại và xem đây là một tiêu chí bình xét, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên. 
 
Những ngày giáp Tết, chúng tôi về thăm bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn trên những con đường bê tông sạch sẽ. Hai bên đường, những vườn đào phai của bà con vùng biên giới đã chớm nở báo hiệu mùa xuân đang về. Nhiều khu vườn bà con được phủ xanh bởi những vườn rau tươi tốt chuẩn bị đón Tết.
 
Ông Cao Duy Ư, ở bản Hóa Lương tâm sự: “Thực hiện Nghị quyết 03 của Đảng ủy xã, tôi đã tự giác làm chuồng trại theo tiêu chuẩn “3 cứng” để nhốt trâu bò. Bởi tôi thấy nghị quyết rất đúng đắn, giúp bà con bảo vệ được trâu bò của mình, tránh hiện tượng mất, lẫn lộn trong quá trình thả rông, lại bảo đảm vệ sinh môi trường khu dân cư”.
Nhờ thực hiện Nghị quyết 03 nên đường sá ở xã Hóa Sơn xanh-sạch hơn.
Nhờ thực hiện Nghị quyết 03 nên đường sá ở xã Hóa Sơn xanh-sạch hơn.
Ông Ư là người dân tộc Chứt, năm nay đã 74 tuổi và có 55 tuổi Đảng. Hiện gia đình ông đang nuôi 10 con trâu bò. Buổi sáng, ông đưa trâu bò vào khu vực chăn thả và tối lại thì lùa về chuồng, cho ăn thêm cỏ tự trồng nên đàn gia súc của ông ngày càng phát triển, chất lượng cũng được nâng lên nhờ chủ động lai tạo giống. Ông Ư không những thực hiện tốt chủ trương của xã mà còn vận động thêm con cháu, bà con hàng xóm cùng làm chuồng trại để nuôi nhốt trâu bò. Nhờ đó, đường sá trong bản ngày càng sạch sẽ, nhiều bà con đã tận dụng nguồn phân bón để trồng rau, trồng cỏ và bón cho các loại cây trồng khác.
 
Từ khi thực hiện Nghị quyết 03, số lượng và chất lượng đàn trâu bò trên địa bàn xã Hóa Sơn được nâng lên đáng kể. Hiện toàn xã có trên 1.100 con trâu bò, trong đó phần lớn đàn vật nuôi này đã được lai hóa. Nhận thức được tính đúng đắn của Nghị quyết 03, 100% hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã đều làm chuồng trại chăn nuôi. Mới đây, từ chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, có 280 hộ dân được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò.
 
Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn khẳng định: “Đến thời điểm này, cơ bản bà con trong xã đều thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 03. Tất cả bà con trong xã đều làm chuồng trại chăn nuôi trâu bò nên công tác chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn gia súc được thực hiện đầy đủ, chất lượng đàn trâu bò địa phương được nâng lên đáng kể. Môi trường ở các khu dân cư cũng trở nên sạch sẽ, kinh tế hộ gia đình cũng được cải thiện nên bà con đang rất phấn khởi, chuẩn bị cho việc vui xuân đón Tết…”
 
Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi trâu bò luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn buông lỏng việc quản lý nên còn khá nhiều hộ dân thả rông trâu bò gây ô nhiễm môi trường, mất cắp, phá hoại mùa màng, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh… Để quản lý trâu bò tốt hơn, sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý chăn nuôi trâu bò như xã Hóa Sơn, quyết không để bà con thả rông, nhất là vào ban đêm. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, huyện sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ làm chuồng trại, trồng cỏ, lai tạo giống..."
 
Xuân Vương