Ngăn chặn khai thác thủy sản tận diệt

  • 08:44 | Thứ Tư, 20/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tình trạng khai thác thủy sản ven bờ mang tính tận diệt trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với hình thức ngày càng tinh vi. Việc làm này không chỉ gây tổn hại cho nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
Tận diệt thủy sản
 
Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết, thời gian qua, mặc dù Chi cục Thủy sản và các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng người dân sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản trên địa bàn vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trên biển, tàu giã cào của người dân ở các xã: Quang Phú, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)…, vẫn sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ở khu vực nội đồng và các ao hồ, đầm phá, sông suối trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TX. Ba Đồn…, người dân vẫn ngang nhiên sử dụng xung điện khai thác thủy sản. 
Người dân sử dụng xung điện khai thác thủy sản tại cửa biển Nhật Lệ bị lực lượng biên phòng phát hiện và xử phạt.
Người dân sử dụng xung điện khai thác thủy sản tại cửa biển Nhật Lệ bị lực lượng biên phòng phát hiện và xử phạt.

Ngày 25-5-2020, trong lúc đang tuần tra bí mật trên biển, đoàn thanh tra của Chi cục Thủy sản đã phát hiện tàu cá của ông Lê Đức Thuận trú tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) có số đăng ký QB-11673 đang hoạt động khai thác thủy sản tại cửa biển Nhật Lệ có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện trên tàu của ông Thuận có tàng trữ công cụ kích điện. Đoàn đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu bộ công cụ điện tự tạo.

Điều đáng nói, việc khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu tận diệt không chỉ có sự tham gia của ngư dân địa phương, mà gần đây còn xuất hiện nhiều tàu cá của các địa phương lân cận. Ngày 23-3-2020, đoàn thanh tra của Chi cục Thủy sản đã phát hiện tàu cá số HT-90435 đang hoạt động khai thác thủy sản tại cửa Gianh có dấu hiệu nghi vấn. Đoàn thanh tra đã tiếp cận tàu và làm việc với chủ tàu là ông Phạm Văn Lợi, trú tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Qua quá trình kiểm tra, đoàn đã phát hiện trên tàu có tàng trữ bộ công cụ kích điện tự tạo, đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ tang vật tại hiện trường.
 
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT, năm 2020, các lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý hành chính 22 trường hợp vi phạm tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản; xử phạt 153 triệu đồng; tịch thu 21 kích điện, 0,5 kg thuốc nổ; chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý hình sự 3 vụ/8 đối tượng về hành vi vận chuyển, tàng trữ chất nổ.
 
Theo các chuyên gia, khi sử dụng xung điện, các loài cá, tôm, thủy sinh, kể cả toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du trong bán kính 2m đều bị tiêu diệt. Để đánh bắt 1 con cá bằng xung điện sẽ giết chết 200 con (loài) khác do bị ảnh hưởng của điện từ phóng ra. Ngoài ra, kiểu khai thác này còn gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, trực tiếp làm thay đổi các yếu tố môi trường nước.
 Lực lượng biên phòng và các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân về các quy định nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản.
Lực lượng biên phòng và các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân về các quy định nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản.

Ông Lê Minh Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay, tình trạng người dân tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thủy sản trên vùng biển ven bờ và nội địa vẫn còn diễn ra và ngày càng tinh vi. Nguyên nhân là do một bộ phận ngư dân ở vùng cồn bãi, bãi ngang còn nghèo, khả năng đầu tư chuyển đổi từ các nghề khai thác thủy sản sang nghề khác gặp nhiều khó khăn. Một số ngư dân nắm được quy định của pháp luật nhưng vì lợi ích trước mắt nên cố tình vi phạm. Công tác kiểm tra, xử phạt hành chính ở một số địa phương chưa mạnh. Vùng nội đồng, ao hồ, sông suối nhiều, địa bàn rộng nhưng lực lượng thanh tra thủy sản lại ít nên việc duy trì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên rất khó khăn.

Nỗ lực ngăn chặn
 
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho hay, thời gian qua, sở đã phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi vi phạm vể sử dụng xung điện, chất nổ khai thác thủy sản.
 
Sở Nông nghiệp-PTNT và các ngành liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của nguồn lợi thủy sản, pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt các quy định nghiêm cấm các hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản đến các chủ tàu cá, ngư dân có hoạt động khai thác thủy sản.
 
Để giải quyết tình trạng, sử dụng các phương pháp, phương tiện đánh bắt thủy sản có tính chất hủy diệt, lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi vấn tàng trữ, buôn bán vật liệu nổ để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Năm 2020, Sở Nông nghiệp-PTNT và các địa phương đã bố trí kinh phí 683 triệu đồng tổ chức 8 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với hơn 1,1 triệu con tôm sú, 187 nghìn con cá giống…
UBND thị xã Ba Đồn thả tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
UBND thị xã Ba Đồn thả tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Trong đó, tập trung tới các địa phương, khu vực có tình hình vi phạm sử dụng xung điện, chất nổ diễn ra phổ biến, phức tạp; nghiên cứu, vận dụng chính sách, chế độ của Nhà nước để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác có thu nhập cao hơn hoặc nghề không phải là nghề khai thác thủy sản; quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu nổ từ cơ sở sản xuất có sử dụng vật liệu nổ; chú trọng kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản trên biển, vùng nội địa và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định; đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, huy động người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia vào công tác thả giống vào môi trường tự nhiên để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản…
 
Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy: “Một trong những giải pháp mà huyện triển khai để ngăn chặn tình trạng người dân trên địa bàn sử dụng xung điện, chất nổ khai thác thủy sản là hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề. Chuyển đổi các nghề cấm, nghề khai thác gây xâm hại nguồn lợi thủy sản sang nuôi trồng và chế biến thủy sản, chăn nuôi lợn, gia cầm, trồng trọt…Đến năm 2025, dự kiến, huyện Lệ Thủy sẽ chuyển đổi nghề cho trên 40 hộ khai thác thủy sản sang các nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…”.
 
Lan Chi