Lệ Thủy: Nỗ lực vượt khó triển khai sản xuất vụ đông-xuân

  • 13:34 | Thứ Bảy, 16/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, nhưng vụ đông-xuân 2020-2021, huyện Lệ Thủy vẫn nỗ lực triển khai đúng kế hoạch. Đến thời điểm này, bà con nông dân cơ bản đã chuẩn bị đủ các loại giống và vật tư nông nghiệp để tiến hành sản xuất.
 
Trận lũ lịch sử tháng 10-2020 khiến hệ thống thủy lợi của huyện Lệ Thủy bị thiệt hại nặng nề (khoảng 146 tỷ đồng). Hàng trăm kênh mương, cống, trạm bơm, đê điều, đường giao thông nội đồng bị hư hỏng. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi, làm ẩm ướt, hư hại 31 nghìn tấn hạt giống. Trong khó khăn đó, nhờ sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân từ mọi miền Tổ quốc, bà con nông dân huyện Lệ Thủy đã từng bước vượt qua khó khăn, sớm khôi phục sản xuất.
 
Vụ đông-xuân năm nay, theo kế hoạch, huyện Lệ Thủy gieo cấy trên 10.200ha lúa. Diện tích lúa gieo trồng nhiều ở các xã: Hoa Thủy, An Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy… Những giống trung ngày và ngắn ngày có chất lượng cao được lựa chọn nhiều, như: P6, VN 20, Thái Xuyên 111, Nhị Ưu 838, Hà Phát 3..., dự kiến sẽ được gieo trồng khoảng 75% diện tích. Tính đến ngày 11-1-2021, toàn huyện đã hoàn thành gieo sạ khoảng 4.000ha.
 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Để đáp ứng nguồn giống cho bà con sản xuất, huyện được Trung ương hỗ trợ 180 tấn; các công ty, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ trên 10 tấn lúa giống. Ngoài ra, Mặt trận các cấp cũng đã hỗ trợ cho bà con 2,4 tỷ đồng để mua giống lúa. Số giống còn lại, huyện đã vận động từ nguồn lực của bà con và một số kênh hỗ trợ khác. Ngoài ra, địa phương cũng đang tích cực hướng dẫn cho chính quyền các xã và hợp tác xã (HTX) chủ động chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết”. 
Bà con nông dân huyện Lệ Thủy tích cực làm đất sản xuất vụ đông-xuân.
Bà con nông dân huyện Lệ Thủy tích cực làm đất sản xuất vụ đông-xuân.
Hiện tại, người dân các xã: Mai Thủy, Phú Thủy, Trường Thủy, Hưng Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy…cơ bản đã gieo lúa xong. Riêng các xã vùng giữa đang tích cực gieo sạ và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1-2021. Tại một số vùng trũng trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương cùng các HTX đang huy động máy móc để làm đất, tiêu nước, đắp lại bờ để sản xuất đúng theo lịch thời vụ. Ngoài ra, UBND huyện Lệ Thủy cũng đã hỗ trợ 50% kinh phí cho bà con mua bả sinh học diệt chuột trước khi gieo; tập trung khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng để bảo đảm tưới tiêu trong vụ mùa.
 
Xã An Thủy là địa phương có diện tích trồng lúa nhiều nhất huyện Lệ Thủy với diện tích 1.300ha. Trận lũ lịch sử tháng 10-2020 đã làm cho hàng trăm tấn lúa giống của bà con bị nhấn chìm, nhiều công trình thủy lợi, trạm bơm, hệ thống giao thông nội đồng bị hư hỏng nghiêm trọng. Ông Phan Thanh Lương, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy cho hay: “Để sản xuất vụ đông-xuân, xã đã vận động bà con nạo vét kênh mương, huy động 52 máy làm đất, tu sửa lại 23 trạm bơm, đắp lại đê bao, chủ động đăng ký giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân tiến hành gieo sạ”.
 
Theo đó, UBND xã An Thủy đã trích 650 triệu đồng từ nguồn bảo tồn lúa nước, các tổ chức Mặt trận và nhà hảo tâm hỗ trợ 850 triệu đồng cho bà con mua giống lúa. Ngoài ra, Trung ương và các công ty giống hỗ trợ thêm cho xã gần 20 tấn lúa giống các loại. Nhờ đó, bà con nông dân xã An Thủy cơ bản đủ lượng giống để sản xuất. Theo kế hoạch, xã An Thủy đã xuống giống từ ngày 8-1 và dự kiến đến ngày 28-1-2021 sẽ hoàn thành. Anh Lê Quang Nam, một người dân ở thôn Phú Thọ, xã An Thủy chia sẻ: “Để sản xuất vụ đông-xuân, tôi đã được Nhà nước và các tổ chức từ thiện hỗ trợ cho một phần giống lúa, thuốc diệt chuột. Ngoài ra, các HTX còn cho mua nợ phân bón, tiền làm đất, hỗ trợ tiêu nước nên gia đình vẫn đủ giống, vật tư để sản xuất”. Hiện 2ha đất trồng lúa của gia đình anh Nam gieo đúng lịch thời vụ.
Xã Liên Thủy là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Trong đó, hệ thống đê bao, kênh mương, đường giao thông nội đồng bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết: “Để sản xuất vụ đông-xuân đúng tiến độ, xã tập trung chỉ đạo các HTX trên địa bàn huy động người và phương tiện nạo vét hệ thống kênh mương, gia cố các bờ đê, tiếp nhận các nguồn giống hỗ trợ cho bà con sản xuất”. Theo đó, nguồn của Chính phủ đã hỗ trợ cho bà con trong xã 50% giá giống các loại. Các nguồn khác cũng đã hỗ trợ cho bà con trên 40 tấn lúa giống. Đến nay, gần 400/800ha đất trồng lúa của người dân trong xã đã được gieo xong, số diện tích còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1-2021.
 
Ngoài việc gieo trồng lúa, thời điểm này, trên 1.000ha rau vụ đông-xuân của bà con huyện Lệ Thủy đã hoàn thành, nhiều loại rau ngắn ngày đã cho thu hoạch. Trước đó, huyện cũng đã vận dụng nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ cho bà con trên 2 tấn hạt giống. Hiện cánh đồng rau ở các xã: Cam Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy…đều được bà con trồng gối vụ nên có hàng bán thường xuyên, một số hộ trồng giống rau dài ngày để phục vụ trong dịp Tết. Riêng 520ha khoai lang của bà con các xã ven Quốc lộ 1A đã trồng xong; 200ha ngô, 265ha lạc, 830ha sắn, 80ha đậu các loại sẽ được gieo trồng trước Tết Nguyên đán 2021.
 
Mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn song vụ đông-xuân trên địa bàn huyện Lệ Thủy đang được triển khai đúng kế hoạch. Có được kết quả này là nhờ sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, các cơ quan chuyên môn cùng sự nỗ lực của bà con. Với quyết tâm đó, tin rằng vụ đông-xuân năm nay, người nông dân Lệ Thủy sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.
 
Xuân Vương