Đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ

  • 12:46 | Thứ Hai, 11/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, ngành công thương Quảng Bình đã tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cùng ảnh hưởng của bão lũ, hoạt động thương mại, dịch vụ đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Hiện, ngành công thương đang đề ra các giải pháp để tập trung triển khai, đáp ứng tốt vai trò giao thương hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại; 8 siêu thị; 1.027 cửa hàng tiện ích; 200 cửa hàng chuyên doanh; 827 cửa hàng tạp hóa, thực phẩm truyền thống và 151 chợ. Ngành thương mại đang vận động tích cực theo hướng ngày càng mở rộng quy mô thị trường, thương mại tăng trưởng khá, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các hội nghị kết nối cung cầu là cơ hội để doanh nghiệp trao đổi, liên kết, mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ.
Các hội nghị kết nối cung cầu là cơ hội để doanh nghiệp trao đổi, liên kết, mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ.
Bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết, ngành thương mại của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Thị trường bán lẻ phát triển ngày càng hiện đại đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khi mức thu nhập, đời sống ngày càng cao. Trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với các chủ trương, giải pháp chỉ đạo đúng đắn, tích cực của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn đạt 38.368 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2019.
 
Để hoạt động thương mại phát triển, bắt nhịp đúng với xu thế, những năm qua, Sở Công thương đã nỗ lực đưa Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) vào hoạt động. Thông qua Sàn giao dịch TMĐT, các doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu, cập nhật sản phẩm; bán hàng, giao hàng và thực hiện thanh toán nhanh, thuận tiện. Sàn giao dịch TMĐT còn là cầu nối thông tin, xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần phát triển thị trường, tạo ra "ngôi nhà chung" cho các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
 
Cùng với việc xây dựng, phát triển Sàn giao dịch TMĐT, thời gian qua, Sở Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu mở rộng thị trường mang lại hiệu quả, như: tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước với sự tham gia của trên 190 doanh nghiệp đến từ 15 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên và một số các tỉnh, thành phố trong nước, ký kết 23 cặp biên bản ghi nhớ mua bán hàng hóa; tham gia gian hàng tại các hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu trong nước; tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng nông thôn…
 
Mặc dù hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thương mại vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển. Các siêu thị, chợ hạng 1 còn quá ít và chủ yếu tập trung ở trung tâm của tỉnh. Ở miền núi, nông thôn, mạng lưới chợ tập trung chủ yếu tại trung tâm huyện với chức năng bán lẻ là chính và có quy mô nhỏ. Chợ hạng 3 tập trung ở vùng nông thôn, miền núi có cơ sở vật chất còn sơ sài, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, hiện nay, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Do vậy, vấn đề đổi mới thương mại cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của Nhà nước đang là yêu cầu cần thiết, cấp bách.
 
Năm 2021, Sở Công thương đề ra kế hoạch tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 47.148 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2020. Ngành cũng đề ra mục tiêu bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng; nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ, thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mà tỉnh có lợi thế (may xuất khẩu, chế biến gỗ, chế biến thủy hải sản...).
Ngành công thương luôn chú trọng điều tiết, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả trong tình hình dịch bệnh, thiên tai...
Ngành công thương luôn chú trọng điều tiết, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả trong tình hình dịch bệnh, thiên tai...
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra, ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại khai thác tốt các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, thực hiện điều tiết cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, giá cả trong tình hình dịch bệnh, thiên tai và các dịp lễ, Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, sở cũng tập trung củng cố thị trường nội địa, phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại ở cả ba khu vực thành phố, nông thôn, miền núi; gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân và doanh nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, như: xi măng, gạch Ceramic, gạch không nung, phân bón...; phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa...
 
Lê Mai