Chăn nuôi ở vùng Nam Quảng Ninh: Tăng cường phòng dịch, ổn định tổng đàn

  • 15:16 | Thứ Tư, 27/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2019, cận kề Tết Nguyên đán, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên đàn gia súc ở vùng Nam huyện Quảng Ninh, khởi phát đầu tiên từ xã Vạn Ninh, khiến người dân lao đao. Năm 2020, do ảnh hưởng của lũ lụt, tổng đàn gia súc trên địa bàn các xã vùng Nam sụt giảm, đặc biệt là chăn nuôi lợn thịt cung ứng cho thị trường Tết. Để ổn định tổng đàn, các xã hiện đang tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
 
Tổng đàn gia súc sụt giảm
 
Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh, địa phương có thế mạnh về chăn nuôi của huyện Quảng Ninh cho biết: “Năm 2019, toàn xã có hơn 16.300 con lợn. Cận kề Tết Nguyên đán, dịch LMLM xuất hiện, người chăn nuôi chuẩn bị xuất chuồng số lượng thịt lợn đến kỳ thì “xôi hỏng bỏng không”. Toàn xã Vạn Ninh tiêu hủy đến 1.230 con lợn, trọng lượng 21.789kg của 145 hộ dân tại 9 thôn. Sau trận dịch này, mặc dù Đảng ủy, chính quyền có nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tái đàn, nhưng gia súc (chủ yếu là lợn) giảm sút số lượng đáng kể”.
 
Năm 2020, tổng đàn trâu, bò xã Vạn Ninh trên 1.000 con, đạt 82% kế hoạch năm; đàn lợn chỉ còn 7.750 con, đạt 69,6%. Tổng sản lượng gia súc xuất chuồng 2.713 tấn, đạt 89,45%. Không chỉ gia súc sụt giảm, đàn gia cầm, thủy cầm của xã Vạn Ninh chỉ đạt 82% kế hoạch với trên 91.000 con; sản lượng xuất chuồng 507 tấn, bằng 77,9% kế hoạch.
 
Xã An Ninh, một trong những địa phương từng bị ảnh hưởng dịch LMLM do lây lan từ Vạn Ninh sang, cho đến nay tổng đàn gia súc chỉ còn 856 con trâu bò; 3.155 con lợn và trên 27.000 con gia cầm, thủy cầm. “Tổng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh so với những năm trước”-Chủ tịch xã An Ninh Trương Văn Long chia sẻ-“Trong trận lũ lịch sử vừa qua, toàn xã có 7 con trâu, 13 con bò chết. Đặc biệt, đàn lợn thiệt hại rất nặng nề với 1.693 con”.
 
Tương tự, xã Tân Ninh sau lũ lụt, gia súc, gia cầm cũng thiệt hại đáng kể với 50 con trâu bò bị trôi; gia cầm, thủy cầm hầu hết trôi theo nước lũ. Toàn xã hiện tại chỉ còn lại 248 con trâu bò và trên 2.000 con lợn. “Người chăn nuôi trong xã hầu như trắng tay sau lũ lụt. Sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường dịp Tết nguyên đán sẽ sụt giảm mạnh vì người dân không đủ thời gian tái đàn” - Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết.
 
Đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc
 
Trở lại với xã Vạn Ninh-vùng chăn nuôi phát triển mạnh nhất của huyện Quảng Ninh, về cơ bản, xã đã hoàn thành quy hoạch khu vực chăn nuôi độc lập tách rời khu dân cư, hạn chế dần tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân, giảm ô nhiễm môi trường và thuận lợi hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; cô lập, cách ly nhanh chóng, tập trung dập dịch khi dịch bệnh xảy ra. 
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi ở xã Vạn Ninh hầu hết đã áp dụng công nghệ khép kín.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi ở xã Vạn Ninh hầu hết đã áp dụng công nghệ khép kín.
Hiện tại, toàn xã có 12 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 18 gia trại nuôi gia cầm; 158 gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa. Các trang trại, gia trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, đưa công nghệ chuồng kín vào nuôi lợn. Trang trại, gia trại xây dựng kiên cố, có hệ thống làm mát, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý chất thải tự động. Thực tế cho thấy công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt.
 
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: “Quyết tâm của xã là phải bảo đảm duy trì ổn định tổng đàn, nhất là đàn lợn. Mục đích giúp người chăn nuôi phục hồi kinh tế sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh trên đàn gia súc, do đại dịch Covid-19, bị thiên tai, lũ lụt đe dọa. Trước hết là nhằm cung ứng một lượng thịt lợn ra thị trường Tết Nguyên đán, sau đó là duy trì các nái đẻ, bảo đảm cung cấp con giống tái đàn cho những năm tiếp theo”.
 
Năm 2020, xã Vạn Ninh đã tiêm phòng LMLM cho 775 con trâu bò, tiêm tụ huyết trùng 650 liều; tiêm vắc-xin dịch tả lợn 11.465 lượt liều; tiêm vắc-xin cúm gia cầm 69.200 lượt liều. Xã An Ninh tiêm phòng 650 liều vắc-xin LMLM cho trâu bò cùng 550 liều vắc-xin tụ huyết trùng; tiêm 10.500 lượt liều vắc-xin cúm gia cầm và 3.500 lượt liều vắc-xin dịch tả lợn.
 
Ngoài các loại vắc-xin được Nhà nước hỗ trợ, trong quá trình chăn nuôi, người dân còn chủ động mua vắc-xin ngoài thị trường để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Mặc dù vậy tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc ở vùng Nam Quảng Ninh vẫn chưa cao. Đơn cử, tại xã Vạn Ninh, tiêm phòng LMLM mới đạt 91%, tụ huyết trùng 89%, dịch tả lợn 76%, cúm gia cầm 71,7%. Tại xã An Ninh, tỷ lệ thấp hơn, tiêm phòng LMLM đạt 76%, tụ huyết trùng 64%, cúm gia cầm chỉ đạt 39%...
 
Nguyên nhân của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm tại vùng Nam Quảng Ninh chưa triệt để là do thị trường cung cấp vắc-xin đang khan hiếm, cầu vượt cung. “Và để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, người dân vùng Nam Quảng Ninh nói chung và xã Vạn Ninh nói riêng còn vận dụng thêm nhiều cách phòng chống dịch bệnh khác, như: tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại bằng vôi, áp dụng những cách truyền thống trong dân gian…” - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh Nguyễn Hữu Lương chia sẻ thêm.
 
Để ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, các xã vùng Nam Quảng Ninh chú trọng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống dịch theo nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
 
Với phương châm “5 không” trên, đàn gia súc, gia cầm tại vùng Nam Quảng Ninh hy vọng sẽ an toàn trước dịch bệnh, ngày càng phát triển mạnh thêm về tổng đàn.
 
Thanh Long