Các khu kinh tế, khu công nghiệp Quảng Bình:

Đón "cơ hội vàng"

  • 08:03 | Chủ Nhật, 17/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sở hữu vị trí thuận lợi cùng với các chính sách ưu đãi hợp lý, hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) Quảng Bình đang là điểm đến hấp dẫn, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới…
 
Tiềm năng bậc nhất
 
Quảng Bình hiện có 2 KKT và 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lập quy hoạch chi tiết xây dựng.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Duật, Phó Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh cho biết: "Hệ thống các KKT, KCN Quảng Bình có vị trí địa lý thuận lợi, thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh, bởi vừa phù hợp và gắn kết chặt chẽ với hành lang kinh tế Đông-Tây, vừa bảo đảm liên kết hợp tác với các khu kinh tế khác trong khu vực.
 
Trong đó, KKT cửa khẩu (CK) Cha Lo nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Myanmar, Thái Lan, Lào về cảng Hòn La để ra nước khác bằng đường thủy; đồng thời, có thể kết nối với KKT Hòn La và KKT Vũng Áng-nơi có các cảng nước sâu. KKT Hòn La nằm trong khu vực quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết nối với KKT Vũng Áng tạo động lực phát triển cho toàn khu vực và phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa cho Lào và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua hành lang kinh tế Đông-Tây Quốc lộ 12A". 
KKT CK Cha Lo là khu kinh tế chiến lược, là 1 trong 9 KKT CK trọng điểm của cả nước.
KKT CK Cha Lo có vị trí chiến lược, là 1 trong 9 KKT CK trọng điểm của cả nước.

Năm 2015, KKT CK Cha Lo chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành 1 trong 9 KKT CK trọng điểm của cả nước. Đây chính là minh chứng cho vị trí “chiến lược” của KKT CK Cha Lo; đồng thời, cũng là cơ hội để KKT này tập trung đầu tư phát triển; xứng đáng là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh; là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa Quảng Bình-Lào-Thái Lan với kim ngạch xuất nhập khẩu luôn đứng đầu so với các CK giáp nước bạn Lào. KKT này là cầu nối đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác, giao lưu hàng hóa, dịch vụ giữa miền Trung Việt Nam với vùng Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan trù phú.

Xác định được tiềm năng và lợi thế của hệ thống các KKT, KCN trong phát triển kinh tế địa phương, khu vực và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, Ban quản lý KKT tỉnh đã tranh thủ và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Trung ương cùng với nguồn vốn ngân sách của tỉnh nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội phù hợp với quy hoạch, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển kinh tế dọc đường 12A qua cặp CK Cha Lo-Nà Phàu. Hiện tuyến đường 12A qua cặp CK Cha Lo-Nà Phàu được các doanh nghiệp trong khu vực “ưu tiên” lựa chọn làm đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào đến Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba. Nhờ đó, hoạt động thương mại qua KKT CK Cha Lo tăng trưởng vượt bậc. Giai đoạn 2008-2018, giá trị kim ngạch qua CK đạt 10,844 tỷ USD, hàng hóa qua CK đạt gần 13,6 triệu tấn; phương tiện xuất nhập cảnh qua CK đạt gần 1,36 triệu lượt.

Rộng cửa đầu tư
 
Để các KKT, KCN có thể “gần” hơn với các nhà đầu tư, thời gian qua, Ban quản lý KKT tỉnh đã tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ các bộ, ngành Trung ương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng. Chỉ riêng năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế -xã hội rất khó khăn nhưng các KKT, KCN của tỉnh đã thu hút được 22 dự án, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tính đến nay, các KKT, KCN đã thu hút được 165 dự án với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh đó, Ban quản lý KKT tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin về pháp luật đầu tư, nhu cầu đầu tư vào các KKT, KCN của tỉnh; tìm kiếm các thông tin về các nhà đầu tư, thực hiện các cam kết của UBND tỉnh đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào KKT, KCN trên địa bàn; nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ để hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật. Đơn vị cũng đã tích cực phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường… để giải quyết các ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng khi đầu tư trong KKT, KCN.
 
Ngoài các cơ chế chính sách ưu đãi chung của Chính phủ, các dự án đầu tư nằm trong khung hỗ trợ đầu tư của tỉnh, Ban quản lý KKT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung hỗ trợ cho doanh nghiệp các ưu đãi trong đào tạo lao động, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của dự án…Theo đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của nhà đầu tư khi đầu tư vào KKT, KCN Quảng Bình.
 
Đặc biệt, trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, Ban quản lý KKT tỉnh đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về chứng nhận đăng ký đầu tư tối thiểu. Qua đó, góp phần tích cực trong việc gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI…
 
“Trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng KKT Hòn La và KKT CK Cha Lo gắn với phát triển thương mại dọc hành lang kinh tế Quốc lộ 12A trở thành vùng kinh tế động lực, Quảng Bình đã triển khai nhiều cơ chế chính sách; trong đó, việc ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 25-7-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 1919/KH-UBND, ngày 18-11-2019 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển KKT Hòn La, KKT CK Cha Lo gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cùng các chính sách thu hút đầu tư hợp lý đang được xem là “cơ hội vàng”, tạo sức bật nội lực cho các KKT tại Quảng Bình”, ông Phạm Tiến Duật, Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh cho biết thêm.
 
Thanh Hải