Khẩn trương khôi phục chăn nuôi, ổn định sản xuất

  • 10:42 | Thứ Tư, 25/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đợt mưa lũ vừa qua đã gây hậu quả nặng nề cho ngành chăn nuôi trong toàn tỉnh, hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, nhiều chuồng trại hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 230 tỷ đồng. Chính vì vậy, việc tổ chức tái đàn, khôi phục chăn nuôi sau mưa lũ là rất cấp thiết nhằm giúp người dân sớm ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm vào dịp cuối năm.
 
Đang tất bật dọn dẹp lại chuồng trại để chuẩn bị cho việc tái đàn vật nuôi, bà Nguyễn Thị Nguyền, thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua nước ngập sâu, lại ngâm lâu nên trang trại của gia đình bà bị thiệt hại nặng nề. Hơn 300 con gà, vịt, ngan bị chết và 10.000 con cá các loại bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng.
 
“Sau lũ, tôi đã dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng để chuẩn bị tái lại đàn vật nuôi. Ngay lúc này, người chăn nuôi chúng tôi rất cần được hỗ trợ con giống để khôi phục sản xuất”, bà Nguyền cho hay.
Bà Nguyễn Thị Nguyền, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) đang dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị tái đàn gia cầm.
Bà Nguyễn Thị Nguyền, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) đang dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị tái đàn gia cầm.
Lệ Thủy là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, chỉ tính riêng lĩnh vực chăn nuôi đã thiệt hại hơn 66,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Các hộ gia đình, trang trại, gia trại chăn nuôi bị thiệt hại nặng tập trung ở các xã: Cam Thủy, Thanh Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy…Người dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu giống sản xuất; chuồng trại, trang thiết bị hư hại nghiêm trọng”.
 
Gia đình anh Lê Xuân Thiệp, thôn 2 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) là một trong những hộ chăn nuôi thiệt hại nặng trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Gia đình anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trại nuôi cá chình hoa áp dụng công nghệ tuần hoàn sinh học vào cuối tháng 9-2019. Với diện tích 150m2, anh nuôi 3 bể cá với số lượng 3.600 con. Sau hơn 1 năm nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt trên 1,2kg/con. Gia đình anh dự tính sẽ thu hoạch và xuất bán lứa đầu tiên vào tháng 12với giá bán 450.000 đồng/kg. Thế nhưng trận mưa lũ này đã khiến gia đình anh trắng tay.
 
“Trận lũ lịch sử làm ngập trại nuôi 1,6m, vượt thành bể nuôi 0,7m, nước chảy xiết đã cuốn trôi toàn bộ cá và thiết bị máy móc của gia đình tôi, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Để khôi phục lại trại cá cần chi phí rất lớn. Hiện tại, nguồn giống trên địa bàn không có, phải vào TP. Nha Trang mới có, nhưng giá lại quá cao. Tôi rất mong ngành nông nghiệp, các tổ chức cá nhân hỗ trợ con giống để khôi phục sản xuất. Đồng thời, ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất và cho vay thêm vốn để gia đình tôi có thể làm lại từ đầu”, anh Thiệp chia sẻ.
 
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp-PTNT, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi và hơn 10.000 vật nuôi khác bị chết; 1.350 tấn thức ăn gia súc, gia cầm bị vùi lấp, hư hỏng; hệ thống chuồng trại, thiết bị, vật tư phục vụ chăn nuôi bị hư hại nghiêm trọng… Ước tính tổng thiệt hại của ngành chăn nuôi là hơn 230 tỷ đồng.
 
Để giúp người dân khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi khắc phục, xử lý vệ sinh môi trường chuồng trại chăn nuôi. Sở chỉ đạo các địa phương tập trung tái đàn, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan sau lũ; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa ổ dịch mới phát sinh, đặc biệt không để dịch tả lợn châu Phi phát sinh lây lan. 
 
UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 700 con bò, 17.000 con lợn, 3.000 con thỏ NewZealand, 750.000 con gà, 20.000 con vịt; các loại vắc xin, hóa chất sát trùng, thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm…
  Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến thăm và tặng gà giống cho người dân huyện Lệ Thủy.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến thăm và tặng gà giống cho người dân huyện Lệ Thủy.
Bước đầu, Bộ Nông nghiêp-PTNT đã hỗ trợ cho tỉnh 10.000 lít Benkocid, 20 tấn clorine để thực hiện tiêu độc khử trùng. Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp trao tặng 5 triệu con tôm giống 12 ngày tuổi, trị giá 650 triệu đồng; 10 tấn thức ăn chăn nuôi, trị giá khoảng 445 triệu đồng; 2.500 gói chế phẩm men vi sinh trị giá khoảng 400 triệu đồng...cho các trang trại và hộ chăn nuôi gia cầm, thủy sản bị thiệt hại nặng trong các đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Lệ Thủy.
 
Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy, bên cạnh các biện pháp khắc phục hậu quả của thiên tai, huyện Lệ Thủy tiếp tục vận động nhân dân gia cố, cải tạo lại ao nuôi, hệ thống chuồng trại để tái đàn gia súc, gia cầm. Căn cứ trên kết quả rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ cho từng hạng mục cụ thể để hỗ trợ nhân dân ổn định sản xuất.
 
Đến thời điểm hiện tại, huyện Lệ Thủy đã nhận 5.000 con gà và phân bổ về các địa phương. Người chăn nuôi trên địa bàn đang rất cần giống để tái đàn, cũng như tiền mặt để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa chuồng trại khôi phục sản xuất. 
 
“Sau khi dọn dẹp, khử trùng chuồng trại, tại một số địa phương người dân đã bắt đầu chọn mua con giống, nuôi nhốt tại các vị trí cao, khô ráo… để chuẩn bị cho việc tái đàn”, ông Vương cho hay.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, nhằm nhanh chóng giúp người dân ổn định đời sống, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ 275.000 giống gà ri và vịt để người dân tái đàn với kỳ vọng trong 2-3 tháng chăm sóc, bà con sẽ có gà, vịt để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng sẽ hỗ trợ thêm giống lợn, bò để giúp người dân khôi phục lại đàn gia súc bị thiệt hại do mưa lũ. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tiền mặt cũng như tạo sinh kế để người dân khôi phục sản xuất...
 
Lan Chi