Quảng Trạch: Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

  • 08:48 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại hướng đến công nghệ cao, những năm qua, Quảng Trạch đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại và HTX. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vàotrồng trọt, chăn nuôi, hứa hẹn tạo nên nền nông nghiệp hiện đại cho Quảng Trạch trong những năm tới.
 
Công nghệ cao, gia tăng giá trị kinh tế
 
Ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, trồng độc canh lúa nước hai vụ là truyền thống bao đời của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do ở vùng trũng thấp nên nhiều diện tích lúa năng suất đạt thấp. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, ông Phan Quốc Thắng đã mạnh dạn chuyển đổi 4ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen thương phẩm. Ông Thắng chia sẻ: "Mặc dù với đặc thù 1 năm chỉ trồng 1 vụ, nhưng chi phí đầu tư vào 1ha sen chỉ hết khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi năng suất lại đạt 90-95 tạ/ha. Với giá sen tươi từ 40-50.000/kg, lãi bình quân đạt từ 56-60 triệu đồng/ha/năm, trồng sen vẫn cho thu nhập cao hơn trồng lúa".
 Sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhà màng đang là hướng đi của nhiều nông dân huyện Quảng Trạch
Sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhà màng đang là hướng đi của nhiều nông dân huyện Quảng Trạch
Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi của ông Thắng, nhiều hộ dân trong vùng cũng học tập, chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Để tạo đầu ra ổn định cho người dân trong vùng và tăng giá trị cho sản phẩm, ông Thắng đã thu mua lại hạt sen cho người dân và nhập máy móc về sơ chế, đóng gói sản phẩm hạt sen bán ra thị trường.  
 
Cùng với việc chuyển đổi đất lúa, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện cũng tích cực chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang làm mô hình nhà màng để trồng cây ăn quả và các loại rau, qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Xuân Bường, xã Liên Trường cho biết, toàn bộ diện tích 1.500m2  nhà màng này trước đây là nơi trồng cây giống lâm nghiệp. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế không cao nên ông đã chuyển đổi sang làm mô hình nhà màng để trồng dưa lưới và rau màu các loại. Năm 2018, được phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng, ông đã mạnh dạn vay mượn thêm 300 triệu đồng để làm hệ thống nhà màng và đầu tư mua các trang thiết bị, như: khung nhà kính kiên cố ngăn cách các loại côn trùng; hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel...
 
Việc trồng dưa lưới và rau màu trong nhà màng đem lại những ưu điểm vượt trội. Nhờ có hệ thống nhà màng, cây cối được bảo vệ, tránh được côn trùng, thời tiết khắc nghiệt, nên không có sâu bệnh và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, trồng cây trong nhà màng ít công chăm sóc hơn nhưng quả dưa và rau chất lượng ngon hơn, giá thành cao hơn.
 
Ông Võ Văn Dương, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo phương pháp truyền thống từ năm 2015 với quy mô đàn lợn tương đối lớn. Trải qua thời gian chứng kiến dịch bệnh hoành hành, ông đã tìm tòi và quyết định đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng trang trại theo hướng công nghệ cao. Theo ông Dương, hiện tại, trang trại chăn nuôi lợn của ông được trang bị đầy đủ hệ thống lồng nuôi, máng lắc và vòi nước uống cho lợn đáp ứng số lượng nuôi cao nhất lên đến 600 con lợn thịt mỗi năm.
 
Toàn bộ quy trình nuôi được khép kín hoàn toàn bởi hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông và hệ thống xử lý chất thải. Với phương pháp nuôi này, ưu điểm mang lại là giảm thiểu sức lao động và đặc biệt là ngăn ngừa dịch bệnh từ môi trường bên ngoài. Minh chứng rõ nhất là đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đều lâm vào cảnh lao đao do số lượng lợn chết nhiều, tuy nhiên, trang trại của gia đình ông vẫn không hề bị ảnh hưởng.
 
Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi những vùng đất trồng cây truyền thống năng suất thấp, điều kiện canh tác khó khăn sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Trung bình mỗi năm huyện đã chuyển đổi 130ha đất trồng lúa sang trồng sen, ngô, đậu, lạc và  hơn 150ha đất gò đồi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu... Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành nên những mô hình gia trại, trang trại, HTX hoạt động hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó, đem lại năng suất, chất lượng vượt trội.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
 
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, từ năm 2016 đến 2020, huyện đã hỗ trợ các địa phương xây dựng trên 70 mô hình sản xuất các loại (bình quân 16 mô hình/năm) trong đó có 17 ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở cho nhân dân học tập. Đến cuối năm 2019, toàn huyện đã có 37 trang trại; 125 gia trại và 13 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ sở để huyện thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, từng bước hình thành hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế cao.
   Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Quảng Trạch xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Quảng Trạch xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Bước đầu đã hình thành các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm, như: rau, quả, thủy sản...
 
Nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng cao, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng chương trình hành động về "Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2020-2025".
 
Với chương trình hành động này, huyện phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có từ 8-10 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 4-5 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi, 4 -5 mô hình trong lĩnh vực thủy sản, 1-2 mô hình trong lĩnh vực lâm nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện sẽ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản.
 
Cùng với đó, huyện cũng ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, từ đó, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp ngày càng phát triển hiện đại trong những năm tiếp theo.
 
Đ.Nguyệt