Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

  • 07:36 | Thứ Hai, 05/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng quê hương, cựu chiến binh Tưởng Văn Phán (SN 1955), thôn Phú Lộc 4, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đã hăng hái lên vùng đồi khai hoang lập nghiệp. Không phụ công người sau hơn 30 năm cần cù, chịu khó, thành quả ông thu lại được là trang trại tổng hợp mỗi năm mang về  nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
 
Sau 5 năm tham gia ở chiến trường Campuchia, năm 1983, cựu chiến binh Tưởng Văn Phán xuất ngũ trở về quê hương. Ở tuổi 28, với sức trẻ và sự năng động, ông luôn suy nghĩ và quyết tâm sẽ lao động để góp sức thay đổi cuộc sống nghèo khó của quê hương.
Thế nhưng quanh năm gắn bó với mấy sào ruộng nước và ruộng muối, cuộc sống khó khăn vẫn luôn đeo bám gia đình ông.
 
Năm 1990, khi chính quyền địa phương có chủ trương khuyến khích người dân lên các vùng đất mới khai hoang, lập nghiệp, người cựu chiến binh này đã không ngại khó, ngại khổ, hăng hái xung phong lên vùng đồi Khe Lau.
 
“Nếu chỉ bằng lòng quanh quẩn với mấy sào ruộng thì cuộc sống sẽ khó có thể thay đổi, kinh tế gia đình cũng khó mà thoát được nghèo. Nghĩ vậy nên tôi cùng vợ quyết tâm cơm đùm, gạo bới lên vùng Khe Lau khai hoang, cày cuốc. Ngày mới lên, vùng Khe Lau chỉ là vùng đất khô cằn, cỏ dại. Thế nhưng, vợ chồng tôi đã động viên nhau chặt cây, dựng lều để khai hoang, cải tạo đất đai. Sau một năm lao động vất vả, vợ chồng tôi bắt đầu gặt hái thành quả”, ông Phán tâm sự.
 
Trên diện tích 3ha khai hoang được, ban đầu vợ chồng ông trồng ngô, khoai, sắn và lúa nước để làm lương thực phục vụ cho gia đình, vừa phát triển kinh tế. Tận dụng diện tích đất đồi, vợ chồng ông mạnh dạn nuôi thêm gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế.
 
Từ một vài vật nuôi, ông đã lai tạo thành hàng chục đàn dê, trâu, bò và hàng nghìn con gà, vịt lấy trứng, thịt. Với phương pháp chăn nuôi truyền thống, tận dụng nguồn thức ăn từ nông nghiệp và được chăn thả vùng đồi nên các loại gia súc, gia cầm của trang trại, như: dê, bò, gà, luôn được ưa chuộng và có giá thành cao. Cùng với chăn nuôi, ông đã khai hoang tiếp 4ha diện tích đất đồi trồng thêm keo, tràm để tăng thêm hiệu quả kinh tế. 
Mô hình phát triển kinh tế trang trại mang lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm cho gia đình cựu chiến binh Tưởng Văn Phán.
Mô hình phát triển kinh tế trang trại mang lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm cho gia đình cựu chiến binh Tưởng Văn Phán.
Vùng Khe Lau vốn là vùng đồi heo hút, cách xa khu dân cư nên đường giao thông và đường điện dẫn vào trang trại vẫn chưa có. Để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa của trang trại, vợ chồng ông đã bỏ ra khoản kinh phí hơn 170 triệu đồng để xây dựng 2km đường giao thông và gần 2km đường điện dẫn vào trang trại. Có đường, điện, ông đầu tư quy mô hơn cho trang trại, như: mua các loại máy cày, máy xúc, máy nghiền... về phục vụ sản xuất. Đến nay, 1,6ha diện tích ao hồ nuôi cá, 4ha rừng trồng, 3ha rau màu, hàng nghìn cây ăn quả và hàng chục con dê, bò, trâu... đã giúp gia đình ông có thu nhập 700 triệu đồng mỗi năm. Với mức thu nhập đó, ông đã trở thành gương cựu chiến binh điển hình vượt khó làm giàu của huyện.
 
Để gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Tưởng Văn Phán cũng trải qua những lần trắng tay, thua lỗ. Đợt bão năm 2013 và 2017 đi qua đã phá hủy nhiều diện tích rừng trồng và vườn cây ăn quả. Bao nhiêu công sức, mồ hôi bỗng chốc đổ xuống sông, xuống bể. Thế nhưng, không lùi bước trước khó khăn, sau mỗi đợt bão, ông lại cần cù thu dọn và bắt tay trồng mới lại số diện tích bị tàn phá.
 
Nói về dự định trong thời gian tới, ông cho biết, ngoài số đàn gia súc, gia cầm đã có, ông đang cải tạo lại một số diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển qua nuôi lợn rừng.
 
Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, ngoài thời gian tập trung làm ở trang trại, ông Tưởng Văn Phán còn sôi nổi tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Từ năm 2006-2011 ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội Trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Lộc 4.
 
Trong khoảng thời gian này, để giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, ngoài chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, ông đã vận động các hội viên trong chi hội quyên góp tiền cho những hội viên nghèo vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế.
 
Khi không còn giữ vai trò chi hội trưởng, ông cũng luôn quan tâm, giúp đỡ các cựu chiến binh. Một số người không có việc làm ổn định, ông tạo điều kiện nhận vào làm việc tại trang trại của mình. Hiện nay, trang trại của ông giải quyết việc làm cho 20 lao động (trong đó chủ yếu là cựu chiến binh trong chi hội) với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
 
Với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Tưởng Văn Phán đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào "Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi" tại địa phương. Nhiều năm liền ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế.
Đ.N