Chuyện bảo vệ rừng ở Động Châu-khe Nước Trong…

  • 08:04 | Chủ Nhật, 13/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rừng Động Châu-khe Nước Trong thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được xem là một trong những khu vực có giá trị về đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu, chỉ đứng sau VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao. Mới đây, Quảng Bình đã quyết định thành lập khu dự trữ thiên nhiên (KDTTN) đầu tiên tại đây, khẳng định tầm quan trọng của việc cần bảo vệ, bảo tồn sự đa dạng sinh học nơi này. Tuy nhiên, thực tiễn của việc thành lập KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong cho thấy, công tác bảo vệ rừng của lực lượng chuyên trách vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…
 
Khu vực đa dạng sinh học trọng điểm...
 
Theo Quyết định số 2165/QĐ-UBND, ngày 25-6-2020 của UBND tỉnh, KDTTN Động Châu-khe Nước Trong nằm ở vùng sinh thái phía Tây Nam của tỉnh, có hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở độ cao gần 700m so mực nước biển. Diện tích hơn 22.132ha với các phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (có diện tích hơn 13 nghìn ha); phân khu phục hồi sinh thái (có diện tích gần 8,5 nghìn ha) và phân khu hành chính-dịch vụ (có diện tích hơn 20ha).
 
KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong có khu hệ động thực vật rất phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam và Lào.
 
Theo khảo sát, thống kê sơ bộ của các nhà khoa học, ở khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong có 357 loài động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có 76 loài thú; 214 loài chim và 67 bò sát, ếch nhái…
 
Trong số 76 loài thú đã ghi nhận, khu vực có tất cả các loại thú đặc trưng cho vùng Bắc Trường Sơn được thông qua khảo sát trực tiếp hoặc kết quả bẫy ảnh, gồm: Sao La, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi lợn, Chà vá chân nâu, Vọoc Hà Tĩnh, Vượn Siki, Culi nhỏ...
 
Nơi đây còn là môi trường sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp thuộc vùng chim quan trọng của dãy Trường Sơn và nằm trong vùng chim đặc hữu đất thấp Trung Bộ, có phân bố các loài chim bị đe dọa toàn cầu, như: trĩ sao, Khướu mỏ dài, Chích chạch má xám và Khướu má xám, các loài gà lôi…
Do nằm biệt lập giữa rừng, nên cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Do nằm biệt lập giữa rừng, nên cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Đây là vùng đa dạng sinh học trọng điểm, thuộc hệ thống các vùng bảo tồn quan trọng cấp toàn cầu do có sự phân bố của loài Sao La và nhiều loài thú quý hiếm khác. Trong đó, có 15 loài bò sát và ếch nhái đặc hữu của Việt Nam; 12 loài đặc hữu của Đông Dương và 17 loài bị đe dọa gồm 9 loài có trong Sách đỏ Việt Nam, 10 loài ghi trong danh lục Đỏ, 6 loài ghi trong Nghị định 06 của Chính phủ và 7 loài ghi trong các phụ lục CITES.
 
Ông Hoàng Minh Hà, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Động Châu cho biết, việc thành lập KDTTN Động Châu-Khe Nước Trong nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị tự nhiên, đặc biệt bảo tồn, duy trì tính ổn định của diện tích rừng kín thường xanh trên đất thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới còn tương đối nguyên vẹn; bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa; tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn và góp phần hạn chế hạn hán, lũ lụt, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới...
 
“Khó vẫn chồng khó” trong bảo vệ rừng…
 
Khi KDTTN Động Châu-khe Nước Trong được thành lập để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học và độc đáo của khu vực rừng này, các đơn vị có liên quan đã tăng cường bảo vệ rừng và ngăn chặn hiện tượng bẫy, săn bắt động vật hoang dã. Nhưng, nhiệm vụ này vẫn đang gặp không ít khó khăn, nhất là đối với BQL rừng phòng hộ Động Châu, nơi được giao quản lý một diện tích rừng lớn (hơn 18 nghìn ha rừng thuộc 20 tiểu khu).
 
Theo chân ông Hoàng Minh Hà, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Động Châu, chúng tôi đi tìm hiểu về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng của đơn vị sau khi chức năng, nhiệm vụ đã được “nâng cấp” cao hơn.
 
Nơi chúng tôi hướng đến là Trạm bảo vệ rừng số 3, cách trụ sở của đơn vị khoảng 40km, đóng chân bên cạnh cầu Khỉ, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
 
Đã hẹn trước, anh Vương Công Thuyết, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 3 gặp chúng tôi hồ hởi cho biết, khu vực rừng Động Châu-khe Nước Trong do chưa chịu nhiều tác động của con người với nhiều loại động thực vật quý hiếm nên việc bảo vệ rừng ở đây được thực hiện rất nghiêm túc và bài bản. Trạm có 8 người, trước đây, được giao quản lý hơn 6 nghìn ha rừng, nay khi được “nâng cấp” lên KDTTN thì được giao quản lý gần 12 nghìn ha chủ yếu là rừng nguyên sinh.
 
Cũng theo anh Thuyết, bây giờ nhiệm vụ bảo vệ rừng nặng nề, thách thức và khó khăn hơn trước. Hàng tháng, hàng tuần, trạm phải luôn cắt cử nhân viên tuần tra tại rừng. Không những thế, trạm còn thành lập thêm các chốt cơ động ở rừng để bảo vệ. Hiện tại, trạm có 3 chốt, mỗi chốt 2 người, thời gian đi đến điểm chốt gần 2 tiếng đường rừng.
 
“Trước đây, tình trạng người dân vào khu vực rừng này đánh bắt, bẫy thú rừng diễn ra thường xuyên, nhưng hiện nay, nhờ tăng cường tuần tra, tuyên truyền, ngăn chặn người dân vào rừng nên tình trạng này đã giảm đáng kể. Hiện tại, trạm có 2 biên chế, còn lại 6 hợp đồng bảo vệ rừng. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, để duy trì cuộc sống hàng ngày, anh em trong trạm phải tăng gia sản xuất, khắc phục khó khăn, phối hợp với cán bộ kiểm lâm, biên phòng, người dân để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng….”, anh Thuyết chia sẻ.
Lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng ở KDTTN Động Châu-khe Nước Trong.
Lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng ở KDTTN Động Châu-khe Nước Trong.
Trạm Bảo vệ rừng Khe Cau, nằm trên đường 16 (xã Kim Thủy). Nhân viên bảo vệ rừng Đào Ngọc Trung cho biết “Cả trạm chỉ có mình em thôi. Em túc trực ở đây từ 10-15 ngày rồi nhân viên bảo vệ rừng khác lên thay. Trạm được giao quản lý 2 tiểu khu 108, 109 với diện tích 430ha, sau khi “nâng cấp”, được bổ sung khoảng 200ha rừng nữa…”
 
Theo chia sẻ của Trung, hàng ngày anh cũng phải len lỏi trong rừng để thực hiện nhiệm vụ, chiều tối mới ra khỏi rừng, thức ăn hàng ngày cũng nhờ vả người buôn bán dưới xuôi, đồng lương thấp nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tối đến, may có cán bộ kiểm lâm, công an lên túc trực cùng nên cũng đỡ hiu quạnh.
 
Theo ông Hoàng Minh Hà, vấn đề đặt ra là khi thành lập KDTTN công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được tăng cường, một số lợi ích của người dân như: khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng trái phép, khai thác lâm sản ngoài gỗ sẽ bị ngăn chặn theo quy định. Khi đó, sẽ phát sinh các mẫu thuẫn giữa người dân địa phương với đơn vị được giao quản lý bảo vệ rừng.
 
Cũng theo ông Hà, để giảm thiểu những mâu thuẫn trên, điều quan trọng và trước hết là chính quyền các cấp phải tập trung tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác bảo vệ rừng; tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…
 
“Hiện tại, đơn vị có 41 biên chế và nhân viên bảo vệ rừng, sau khi đã được nâng cấp lên KDTTN, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ rừng của đơn vị lại nặng nề hơn. Trong khi đó, các khó khăn đang tồn tại vẫn chưa được tháo gỡ, như: nâng cao thu nhập, chế độ chính sách, điều kiện làm việc khó khăn, cải thiện đời sống của anh em bảo vệ rừng, không có chế tài xử lý trong khi thực thi nhiệm vụ…”, ông Hà cho biết.
Ngọc Hải