Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế: Cần triển khai linh hoạt

  • 08:03 | Thứ Hai, 14/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, các ngành nghề sản xuất, kinh doanh buộc phải hoạt động cầm chừng, khiến doanh thu của các doanh nghiệp (DN) đạt thấp, khả năng cạnh tranh và việc tận dụng các lợi thế sẵn có của địa phương trong phát triển kinh tế giảm đáng kể, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
 
Mặc dù Chính phủ và tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ DN, người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có việc gia hạn thuế và tiền thuê đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính các DN, NNT lại không mặn mà với các nội dung hỗ trợ này.
 
Nỗ lực của Chính phủ
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, ngay trong quý II năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng để hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
 
Đặc biệt, để kịp thời động viên, hỗ trợ DN, NNT, ngày 9-5-2020, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị với các DN, tập đoàn kinh tế lớn trong cả nước nhằm khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN.
 
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
 
Cũng trong quý II năm 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; về mức thuế bảo vệ môi trường... 
Hỗ trợ thuế GTGT sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hỗ trợ thuế GTGT sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặt khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19...
 
Nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất đáng trân trọng và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó lường và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ trương hỗ trợ DN, NNT của Chính phủ cũng đã tạo tiền đề quan trọng về mặt pháp lý để chính quyền các địa phương hoạch định chính sách hợp lý nhằm thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”-vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
 
Cần hỗ trợ linh hoạt
 
Mặc dù các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và có tác động tích cực, động viên kịp thời DN, NNT vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế DN, NNT vẫn không mặn mà khi tiếp cận vì vướng các điều kiện, thủ tục. Hệ quả là, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể không giảm. Số người bị mất việc làm ngày càng tăng, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
 
Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, trong gói hỗ trợ đầu tiên, Chính phủ đã sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp bao gồm hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp; vay vốn ưu đãi trả lương người lao động thiệt hại vì dịch Covid-19; giảm và giãn thời hạn nộp BHXH; gia tăng giải ngân đầu tư công để kích thích dòng vốn luân chuyển trong xã hội. Đối với các chính sách thuế, Chính phủ cho phép gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với thời gian 5 tháng; đồng thời, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp trong năm 2020.
 
Tuy nhiên, hiệu quả việc thực hiện giải pháp hỗ trợ về thuế trong gói hỗ trợ đầu tiên của Chính phủ cho thấy, việc hỗ trợ thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất không giúp được nhiều cho các DN, NNT. Bởi đối với DN, tiền thuê đất chủ yếu chỉ liên quan tới DN bất động sản; thuế TNCN chỉ tác động đến người lao động, còn thuế TNDN chỉ phát sinh đối với DN có lợi nhuận. Trong khi hầu hết các DN đang “ngụp lặn” trong khó khăn, thì việc giãn, giảm thuế TNDN hầu như không có tác động đáng kể nào.
 
Từ quan điểm trên của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, cho thấy rõ việc thực hiện chính sách hỗ trợ DN, NNT cần được thực hiện linh hoạt hơn để bảo đảm tính thực chất. Tức là chính sách hỗ trợ thuế phải xét đến phạm vi và đối tượng tác động. Để làm được yêu cầu này, thiết nghĩ nên hỗ trợ bằng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (GTGT), bởi thuế GTGT là thuế gián thu, đánh trên tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ nên phạm vi tác động rất lớn. Khi giảm thuế GTGT, thì hầu hết các đối tượng xã hội đều có lợi. Cụ thể là DN bán được hàng do giảm giá bán, còn người tiêu dùng được lợi do mua hàng với giá thanh toán thấp hơn trước. 
Nhiều DN không “mặn mà” với chủ trương gia hạn thuế của Chính phủ.
Nhiều DN không “mặn mà” với chủ trương gia hạn thuế của Chính phủ.
Nếu thuế TNDN là khoản phải nộp khi DN có phát sinh lợi nhuận thì thuế GTGT phát sinh ngay khi có tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Điều đó có nghĩa, thuế GTGT là nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả các đơn vị cung cấp, bán hàng. Vì thế, việc giảm thuế GTGT sẽ tác động không chỉ với DN kinh doanh có lãi mà còn cả với các DN làm ăn thua lỗ. Đấy là điểm mấu chốt bảo đảm tính công bằng khi thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ (nếu có).
 
Theo ông Cổ Kim Thảo, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ NNT, Cục Thuế tỉnh thì nếu xét về nghiệp vụ, thuế GTGT chỉ phát sinh khi DN có phát hành hóa đơn hợp pháp. Điều này đồng nghĩa, hỗ trợ thuế GTGT cũng là biện pháp đề cao tính tự giác, trung thực của NNT. Hơn thế nữa, việc hỗ trợ thuế GTGT sẽ hoàn toàn thực chất khi chỉ áp dụng với DN thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu về hóa đơn và kê khai thuế theo quy định; qua đó, giúp giảm nguy cơ ẩn lậu thuế và lạm dụng chính sách hỗ trợ của các DN làm ăn không chân chính.
 
“Việc áp dụng giảm thuế GTGT một cách đại trà sẽ tiềm ẩn khả năng gây thất thoát ngân sách thông qua các hình thức nhập lậu hay gian dối trong kê khai thuế… Do đó, vai trò của công tác kiểm tra là rất lớn nhằm bảo đảm chính sách thuế và hỗ trợ DN, NNT được thực hiện được minh bạch, công bằng, tác động trúng đối tượng khó khăn, cần được hỗ trợ”-ông Đoàn Vĩ Tuyến cho biết thêm.
                                                                                                                   Nguyễn Hoàng