Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài: Vì sao tỷ lệ giải ngân đạt thấp?

  • 15:01 | Thứ Tư, 16/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vay nước ngoài của các dự án ODA trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến hết tháng 8-2020 đạt 21,55% kế hoạch. Mặc dù tỷ lệ giải ngân này bằng tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước, nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng. Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch-Đầu tư, tính đến hết tháng 8-2020, về nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2020, nguồn vốn ODA có tỷ lệ giải ngân 18,8%; nguồn vốn đối ứng có tỷ lệ giải ngân 33,7%. Về vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020, nguồn vốn ODA đã giải ngân đạt tỷ lệ 40,7%. Hiện tổng nguồn vốn đầu tư được phê duyệt cấp cho các dự án có vốn vay nước ngoài đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh là gần 900 tỷ đồng. Trước tình hình kết quả giải ngân trên, các chủ đầu tư cam kết đến ngày 31-12-2020 đối với nguồn vốn ODA, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 74,27% và nguồn vốn đối ứng phấn đấu đạt 83,11%.
 
Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án ODA phải thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định tại Hiệp định và sổ tay hướng dẫn của từng dự án, nên mất rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.
 
Cùng với đó, các bộ chủ quản của các dự án có cơ chế đồng chủ quản thường thông qua kế hoạch hoạt động và ngân sách của dự án muộn (từ giữa tháng 4 đến tháng 7 hàng năm), nên các ban quản lý dự án không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục và giải ngân nguồn vốn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án LRAMP (Bộ Giao thông vận tải) và các dự án Ô (Bộ Nông nghiệp-PTNT). Bên cạnh đó, nhiều quy trình thủ tục để thực hiện được phải trình các bộ, ngành Trung ương.
 
Tuy nhiên, trên thực tế thủ tục giải quyết công việc của các bộ rất chậm nên ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án. Ngoài ra, quá trình điều chỉnh, bổ sung trung hạn 2016-2020 vốn nước ngoài cho các dự án ODA thường kéo dài, do đó, khi được bổ sung nguồn vốn, các dự án thường không giải ngân được vì không đủ thời gian làm thủ tục giải ngân.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm được thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến việc thi công các dự án có vốn vay nước ngoài.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm được thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến việc thi công các dự án có vốn vay nước ngoài.
Một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả giải ngân chính là thủ tục điều chỉnh thời gian giải ngân tại các bộ, ngành Trung ương chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc thực hiện các thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vốn và ký thỏa thuận vay lại của các dự án ODA có cấu phần vay lại kéo dài, làm các dự án đã được giao vốn nước ngoài nhưng không giải ngân được, điển hình như dự án "Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các bản của những xã điện lưới quốc gia không đến được".
 
Mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản từ ngày 21-4-2020 gửi Bộ Tài chính về việc gia hạn thời gian giải ngân dự án. Tuy nhiên, đến nay, chưa nhận được phản hồi để làm cơ sở thanh toán và quyết toán, kết thúc dự án.
 
Hay như dự án "Hiện đại hóa lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng  Bình" có tổng nguồn vốn 44,146 tỷ đồng (trong đó, vốn nước ngoài cấp phát là 35,317 tỷ đồng), Dự án này đã ký hiệp định từ năm 2018 nhưng đến nay chưa được ký thảo thuận vay lại với Bộ Tài chính nên không thể giải ngân được nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp phát.
 
Về dự án "Đầu tư xây dựng hệ thống phân phối và xử lý nước 5 xã Hiền-Xuân-Tân-An-Vạn Ninh và Khu công nghiệp Áng Sơn huyện Quảng Ninh" có tổng nguồn vốn gần 13 tỷ đồng (trong đó, vốn nước ngoài cấp phát là 10,981 tỷ đồng), ông Trương Ngọc Quý, Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng (QLDAXD) huyện Quảng Ninh cho biết: "Dự án có sử dụng phần vốn ODA cho gói thầu cung cấp thiết bị và theo quy định được tổ chức đấu thầu tập trung tại Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đã 4 năm rồi, Bộ Tài chính vẫn chưa tổ chức đấu thầu gói thầu thiết bị này, cũng như việc chậm điều chỉnh hiệp định tín dụng của Bộ Tài chính khiến việc bố trí vốn ODA hàng năm không giải ngân được, dẫn đến việc gói thầu xây lắp đã đấu thầu nhiều năm nhưng không thể triển khai do không có thiết bị".
 
Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề vướng mắc diễn ra trong quá trình thi công trên thực tế của dự án. Điển hình như đối với dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải -Tiểu dự án thành phố Đồng Hới".
 
Theo ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc, Ban Quản lý Dự án môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, cùng với vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng chậm được thực hiện, vấn đề chồng lấn mặt bằng thi công của dự án này với các dự án khác đang triển khai thi công xảy ra tại rất nhiều điểm của các gói thầu, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó buộc hầu hết các gói thầu đều phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thực tế thi công.
 
Nhiều công việc diễn ra hàng ngày như điều chỉnh một số thiết kế nhỏ nhưng Ban Quản lý dự án không có thẩm quyền xử lý mà phải trình qua nhiều đơn vị và cấp trên để có phương án triển khai. Điều này làm cho Ban Quản lý dự án thiếu tính chủ động trong việc điều hành, xử lý công việc và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn được cấp.
 
Cũng do dự án chưa được ký thỏa thuận vay lại với Bộ Tài chính nên dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng-giai đoạn 2-Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình" có tổng nguồn vốn được Trung ương cấp phát 14,95 tỷ đồng (trong đó, vốn nước ngoài cấp phát 11,96 tỷ đồng) hiện vẫn chưa giải ngân được đồng nào...
                                                                                           
    Bùi Thành