Xã Quảng Đông:

Chuyển dịch ngành nghề, tạo động lực phát triển kinh tế

  • 07:29 | Thứ Ba, 18/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là xã thuần nông có điểm xuất phát thấp, tuy nhiên, nhờ phát huy những lợi thế vốn có, Quảng Đông đã từng bước chuyển đổi ngành nghề, lấy thương mại-dịch vụ làm mũi nhọn. Nhờ đó, kinh tế địa phương thời gian qua đã có những bước khởi sắc.
 
Quảng Đông là xã nằm ở phía bắc huyện Quảng Trạch, phía đông giáp biển, phía bắc giáp Hà Tĩnh và lợi thế về nguồn lao động dồi dào cùng tuyến quốc lộ 1A chạy qua. Với những đặc điểm đó, Quảng Đông được chọn là nơi xây dựng các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Năm 2017, dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch chính thức được triển khai và chọn thôn Vịnh Sơn làm vị trí thực hiện.
 
Dự án được đánh giá có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và mở ra tiềm năng phát triển cho xã Quảng Đông. Đây là dự án trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi đưa vào vận hành sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, đồng thời, hàng năm sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 2.400 tỷ đồng và thu hút khoảng 1.200 lao động, qua đó, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. 
 Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương.
Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho địa phương.
Tuy nhiên, do vấp phải sự cản trở của một số hộ dân thôn Vịnh Sơn, dự án đã bị kéo dài trong thời gian dài, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trước tình hình này, chính quyền xã Quảng Đông đã tổ chức vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các chủ trương của Nhà nước.
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông cho biết: “Một số hộ dân, do chưa nhận thức rõ về dự án đã có những hoạt động cản trở đến quá trình thi công dự án. Qua rà soát, chính quyền xã đã đến từng nhà dân và trực tiếp nói chuyện. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, các hộ dân thôn Vịnh Sơn đều hưởng ứng, thống nhất bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công triển khai thực hiện các hạng mục của dự án”.
 
Cùng với dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, chính quyền xã Quảng Đông cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng các dự án quan trọng trên địa bàn, như: dự án Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sun Spa -Đảo Yến, đường dây 500 Kv Nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng...
 
Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, Quảng Đông trước đây vốn là xã thuần nông. Người dân bao đời nay sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, chủ trương thu hồi đất để xây dựng các dự án trên địa bàn khiến cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của người dân. Chính điều này cũng tác động đến quá trình giảm nghèo của địa phương.
 
Trước tình hình đó, để giúp người dân có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững, chính quyền xã Quảng Đông đã có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp để phù hợp với tình hình của địa phương. Xã có lợi thế với đường bờ biển dài hơn 10km; khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh-hai địa điểm tham quan, du lịch tâm linh, hàng năm, thu hút số lượng lớn khách du lịch đến dâng hương và tưởng nhớ.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn hiện có các dự án trọng điểm, như: Khu công nghiệp cảng biển Hòn La với quy mô đa ngành, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch và nhiều doanh nghiệp, công ty hoạt động trên địa bàn, được đánh giá khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút số lượng lớn lao động.
 
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại dịch vụ, như: lưu trú, ăn uống, các hoạt động vui chơi, thương mại (buôn bán hàng hóa, mặt hàng lưu niệm, các mặt hàng truyền thống tại địa phương cho khách du lịch). Người lao động có cơ hội làm việc tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Đông xác định tập trung phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông-lâm-ngư ngiệp qua thương mại-dịch vụ và lấy ngành thương mại-dịch vụ làm mũi nhọn để phát triển kinh tế của địa phương.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã có 15 công ty, doanh nghiệp, thu hút hơn 400 lao động địa phương. Chính quyền xã đã tích cực liên hệ với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng thêm con em người địa phương vào làm việc. Trong 6 tháng cuối năm 2019, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thêm 30 lao động địa phương vào làm, góp phần giải quyết việc làm cho người dân.
 
Song song với đó, xã cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm giảm mạnh. Năm 2019, xã có 110 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,56%;151 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9%. So với năm 2018, xã đã giảm 36 hộ nghèo; giảm 70 hộ cận nghèo. Đây thực sự là kết quả đáng mừng và dự báo về sự khởi sắc kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới.
 
Đ.N