Nông dân Quảng Bình đồng hành cùng hàng Việt

  • 08:35 | Thứ Sáu, 14/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng hành với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động), thời gian qua, các cấp hội nông dân tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng sản xuất trong tỉnh.
 
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, bằng nhiều hình thức, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền cho hơn 1.286.500 lượt hội viên, nông dân về hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân; mục đích, ý nghĩa việc thực hiện cuộc vận động; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
 
Để đưa hàng Việt đến gần hơn với nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”. Thông qua chương trình, nhiều thương hiệu lớn, sản phẩm chất lượng trong nước đã được nông dân biết đến và đón nhận, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt với các thương hiệu ngoại nhập. Cũng nhờ tiếp cận với các sản phẩm Việt chất lượng, nông dân có cơ hội nâng cao đời sống, đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi gia đình và toàn xã hội hiện nay.
 
Ông Hoàng Văn Long, hội viên Hội Nông dân xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn cho biết: “Nhờ việc tiếp cận dễ dàng với các sản phẩm hàng Việt chất lượng, có thương hiệu, uy tín, tôi đã tin tưởng lựa chọn các sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong nước đểphát triển đàn lợn của gia đình. Các vật dụng, sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của gia đình cũng luôn ưu tiên lựa chọn hàng Việt, bởi hàng Việt có chất lượng tốt, giá cả phải chăng”.
Sản phẩm gạo P6 Lệ Thủy được hội viên nông dân quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm gạo P6 Lệ Thủy được hội viên nông dân quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Để cuộc vận động thực sự mang lại hiệu quả, ngoài việc thay đổi thói quen mua sắm hàng Việt, Hội Nông dân tỉnh cũng chú trọng tạo điều kiện giúp các hội viên, nông dân sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, thế mạnh cho địa phương. Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, như: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng... Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho cho nông dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, hội cũng tích cực phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... của hội viên nông dân đến người tiêu dùng. Hội cũng tạo điều kiện cho các hội viên tham gia các hội chợ nông nghiệp, thương mại, triển lãm... trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương.
 
Nhờ sự quan tâm đầu tư trong sản xuất và quảng bá, các sản phẩm của Quảng Bình đang dần khẳng định thương hiệu, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu; nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm cao, như: khoai gieo Hải Ninh, nấm Tuấn Linh, tinh bột sắn Long Giang, mật ong Tuyên Hóa...
 
Ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua của Hội. Hội cũng phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân giúp nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá, kết nối thị trường..., qua đó, khuyến khích mua sắm, sử dụng, tiêu dùng hàng Việt.
 
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa mạnh mẽ đến cán bộ, hội viên nông dân và toàn thể người dân trong tỉnh. Cuộc vận động đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân đối với hàng Việt. Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, trở thành thói quen tiêu dùng của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, nhờ đó, sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn trở nên sôi động hơn. Hiệu quả của cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và phát triển thị trường nội địa, tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của người tiêu dùng.
 
Lê Mai