Nỗ lực duy trì sản xuất công nghiệp giữa đại dịch Covid-19

  • 14:16 | Thứ Sáu, 28/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cùng những nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Bình 8 tháng đầu năm 2020 tiếp tục duy trì tăng trưởng.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng.
 
Trong 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,5%...
 
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ có tốc độ tăng trưởng nổi bật, tăng 11,7% so với cùng kỳ và duy trì ổn định trong 8 tháng đầu năm. Đây là ngành có nguồn nhiên liệu chủ động, không phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong thời kỳ dịch Covid-19 của doanh nghiệp cũng đạt hiệu quả cao.
 
Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và bùng phát trở lại ở một số địa phương từ cuối tháng 7-2020 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu là đối tượng bị ảnh hưởng lớn, một số sản phẩm sản xuất bị giảm so với cùng kỳ, như: cao su tổng hợp và cao su tự nhiên giảm 39,4%; colophon và axit nhựa cây giảm 23,6%; cao lanh giảm 9,9%; áo sơ mi người lớn giảm 9,4%...
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ là ngành có tốc độ tăng trưởng nổi bật thời gian qua.
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ là ngành có tốc độ tăng trưởng nổi bật thời gian qua.
Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến tinh bột sắn, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu của đơn vị đã bị ảnh hưởng.
 
Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất bán sản phẩm tinh bột sắn của Công ty gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, số lượng tinh bột sắn của Công ty hiện vẫn được xuất bán nhưng tốc độ khá chậm.
 
Bên cạnh đó, công ty cũng đang gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu sắn đầu vào. Ông Thơ cho biết, mặc dù vùng nguyên liệu trồng sắn trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhưng lượng sắn sau khi thu hoạch được các thương lái chủ yếu đưa tiêu thụ tại thị trường tỉnh bạn, dẫn đến thiếu nguyên liệu sắn sản xuất tại hai nhà máy sắn trên địa bàn tỉnh. Do thiếu nguyên liệu nên công suất sản xuất của nhà máy hiện chỉ đạt tầm 70%, sản lượng giảm từ 3.000-5.000 tấn/năm…
 
Theo ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương), mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng ngành công nghiệp hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: một số cơ sở công nghiệp vẫn đang dừng sản xuất (Nhà máy xi măng Thanh Trường, Nhà máy xi măng Áng Sơn 1, các nhà máy chế biến cao su...); nhiều dự án công nghiệp lớn bị chậm tiến độ hoặc dừng đầu tư; một số dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động nhưng chưa phát huy hiệu quả do thiếu lao động (may xuất khẩu, gỗ ván ép xuất khẩu) hoặc tiêu thụ sản phẩm khó khăn (các cơ sở gạch không nung, nước tinh khiết, bia, chế biến cao su)…
 
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn và thu hẹp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất tinh bột sắn, sản xuất dăm gỗ và chế biến thủy hải sản xuất khẩu.
 
Năng lực mới tăng thêm trong sản xuất công nghiệp ít, chủ yếu là các dự án tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ; một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đầu tư hoàn thành nhưng chưa phát huy hết công suất. Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ công nghệ lạc hậu và chậm được đầu tư đổi mới, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu.
 
Bên cạnh đó, sự chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, thiếu kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính…
 
Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.
 
Bên cạnh đó, sở cũng tham mưu đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp lớn đang triển khai, như: Viên nén năng lượng của Tập đoàn Dohwa Hàn Quốc và Công ty TNHH Trung Chính, chế biến gỗ OKAL, gỗ MDF, chế biến thủy sản...; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp chế biến gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản...
 
Lê Mai