Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản ở TX. Ba Đồn:

Đánh thức tiềm năng, phát huy lợi thế

  • 15:33 | Chủ Nhật, 09/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với chiều dài bờ biển khoảng 10km, có sông Gianh chảy qua địa bàn nhiều phường, xã và cửa sông lớn, những năm qua, thị xã Ba Đồn chú trọng phát huy tiềm năng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản nhằm tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề, lĩnh vực, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững...
 
Thị xã Ba Đồn hiện có 2 phường giáp biển là Quảng Thọ và Quảng Phúc, với chiều dài bờ biển khoảng 10km. Đặc biệt, trên địa bàn thị xã có sông Gianh chảy ngang qua rất nhiều địa bàn các phường, xã và có cửa sông rộng lớn, đủ đáp ứng cho tàu trọng tải từ 5.000 tấn có thể ra vào dễ dàng, thuận lợi. Đây chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên nói chung và việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản nói riêng...
 
Những năm gần đây, ngành thủy sản trên địa bàn TX. Ba Đồn phát triển khá mạnh về số lượng, chất lượng và phương thức hoạt động. Cụ thể, nếu tổng sản lượng thủy sản năm 2016 đạt 10.290 tấn (trong đó, khai thác đạt 7.911 tấn và nuôi trồng thủy sản đạt 2.379 tấn) thì đến cuối năm 2020, tổng sản lượng thủy sản của thị xã dự ước đạt 14.000 tấn (trong đó, sản lượng khai thác khoảng 12.000 tấn và nuôi trồng thủy sản đạt gần 2.000 tấn). Bình quân giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng thủy sản tăng 5,3%/năm.
   TX. Ba Đồn thường xuyên triển khai các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản. (Ảnh: Thế Vượt)
TX. Ba Đồn thường xuyên triển khai các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản. (Ảnh: Thế Vượt)
Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thị xã Ba Đồn là 473ha (trong đó, nuôi tôm 278ha, cá các loại 195ha), diện tích tuy có giảm so với các năm trước nhưng sản lượng luôn có sự tăng trưởng tích cực. Cùng với đó, tổng số tàu, thuyền trên địa bàn thị xã Ba Đồn hiện có khoảng 1.250 chiếc, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên khai thác vùng lộng và vùng khơi là 420 tàu (có 380 tàu khai thác vùng khơi) tập trung tại các xã, phường, như: Quảng Phúc, Quảng Phong, Quảng Lộc, Quảng Văn…
 
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, nhằm "đánh thức" các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, những năm trở lại đây, thị xã đã quan tâm hỗ trợ ngư dân về vay vốn trung, dài hạn để đóng mới phương tiện đánh bắt, cải hoán tàu thuyền, hiện đại hóa trang thiết bị máy móc, phương tiện. Đồng thời, thị xã cũng chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo...
 
Chẳng hạn,thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ "Về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nhằm góp phần phát triển kinh tế biển, kết hợp ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, giữ gìn trật tự và an ninh vùng biển", tính đến tháng 7-2020, số tàu đăng ký tham gia khai thác vùng biển xa của thị xã Ba Đồn đã tăng lên 369 tàu, với số tiền được hỗ trợ từ năm 2016 đến cuối năm 2020 hơn 500 tỷ đồng...
 
Từ năm 2016 đến nay, UBND thị xã Ba Đồn đã triển khai thực hiện chính sách cấp bù miễn thủy lợi phí đối với diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn trên 1,4 tỷ đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản khoảng 1,45 tỷ đồng. Hàng năm, UBND thị xã luôn trích một phần kinh phí từ nguồn ngân sách thị xã để hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản, như: đóng mới tàu thuyền, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trợ giá giống cho các loại tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá dìa, vôi để xử lý ao hồ nuôi tôm bị dịch bệnh...
 
Chính nhờ sự quan tâm tích cực của các cấp chính quyền thị xã Ba Đồn, nhiều người dân trên địa bàn đã tập trung phát triển các nghề, như: lưới vây, câu, chụp, lưới rê hỗn hợp... để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các nghề khai thác và phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm tính bền vững của nguồn lợi thủy sản. Một số địa phương còn chú trọng phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư nuôi tôm công nghiệp; quan tâm mở rộng diện tích, đối tượng nuôi.
 
"Bên cạnh những thành quả đạt, sự cố ô nhiễm môi trường biển, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt đại dịch Covid-19... đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành thủy sản của địa phương. Thế nhưng, với sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị, kỳ vọng rằng, lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản của thị xã Ba Đồn trong thời gian tới vẫn tiếp tục được phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
 
Thời gian tới, TX. Ba Đồn sẽ tập trung xây dựng và nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá khi có nguồn vốn đầu tư, như: dự án chợ thủy sản-cầu tàu phường Quảng Phúc; khu neo đậu tránh trú bão vùng Bắc sông Gianh, phường Quảng Phúc; các bến cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá tại 2 xã Quảng Văn và Quảng Lộc...", ông Khánh chia sẻ thêm.
 
Văn Minh