"Cú hích" cho du lịch Lệ Thủy…

  • 07:44 | Thứ Ba, 11/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy mang trong mình các đặc trưng của một Quảng Bình thu nhỏ với danh truyền “Nhất Đồng Nai, Nhì Hai huyện”.
 
Vùng đất địa linh, nhân kiệt này đã sản sinh ra những tên tuổi làm rạng danh lịch sử dân tộc, mà tiêu biểu là Tiến sĩ Dương Văn An, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lệ Thủy còn được biết đến là quê hương của hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là hò khoan Lệ Thủy và lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
 
Hội tụ rất nhiều tiềm năng du lịch, huyện Lệ Thủy rất cần những “cú hích” đủ mạnh để đưa ngành “công nghiệp không khói” này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai không xa…
 
Tiềm năng du lịch Lệ Thủy…
 
Lệ Thủy chứa nhiều trầm tích giá trị văn hóa truyền thống, những di tích, danh thắng nổi tiếng và đang nắm giữ rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Những ngày tháng 8, chúng tôi đã có dịp đi đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện để có cái nhìn tổng quan hơn về tiềm năng du lịch của Lệ Thủy.
Chùa Hoằng Phúc hiện đã có tên trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước.
Chùa Hoằng Phúc hiện đã có tên trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước.
Chúng tôi đến ngôi cổ tự có bề dày lịch sử hơn 700 năm, từng được 5 vị vua chúa đến dâng hương lễ Phật. Thầy Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc cho biết, chùa Hoằng Phúc từng được Phật Hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm và thuyết pháp, truyền giảng đạo lý. Hiện tại, chùa Hoằng Phúc còn lưu giữ những hiện vật cổ.
 
“Hàng năm, chùa Hoằng Phúc đã đón khoảng 8-10 vạn du khách thập phương đến thắp hương và vãn cảnh chùa, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết. Hiện nay, chùa Hoằng Phúc cũng đã nằm trong bản đồ du lịch tâm linh của đông đảo du khách cả nước”, thầy Thích Khải Đạo chia sẻ.
 
Rời chùa Hoằng Phúc, chúng tôi đến thôn An Xá, xã Lộc Thủy ghé vào Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để dâng hương. Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên bờ sông Kiến Giang từ nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ vô cùng gần gũi và thân thiết với đồng bào, chiến sỹ cả nước.
 
Ông Võ Đại Hàm, người trông coi Nhà lưu niệm của Đại tướng suốt bao nhiêu năm qua cho biết, khách đến dâng hương tại đây ngày nào cũng có, đông nhất là vào dịp 27-7. Hàng năm, khách đến tham quan khoảng 5 vạn người. Hiện nay, nhà lưu niệm đang trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử để mọi người tìm về tham quan, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng…
 
Theo ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy hiện có 18 di tích lịch sử, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Các di tích nổi tiếng có thể kể đến là Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa An Xá, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, Miếu Thành Hoàng, trận địa pháo binh Ngư Thủy… Ngoài ra, vùng đất địa linh, nhân kiệt này còn được thiên nhiên ưu đãi những cảnh đẹp tự nhiên, như: suối nước khoáng Bang, bãi tắm Tân Hải, khe Nước Lạnh, hồ An Mã và dòng Kiến Giang chở nặng những di sản ngàn xưa…
 
Cũng theo ông Dương, về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho du lịch, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 22 cơ sở lưu trú, gần 50 cơ sở dịch vụ ăn uống; mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển rộng khắp với 30 chợ. Trên địa bàn còn có 4 hãng xe taxi và 1 tuyến xe buýt. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bưu chính viễn thông, tín dụng, thể thao, giải trí… phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân.
 
Cần những “cú hích”…
 
Có thể nhận thấy rằng, tiềm năng du lịch của Lệ Thủy là rất lớn. Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” này cần những “cú hích” đủ mạnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai không xa.
 
Để tạo ra những “cú hích”, đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, huyện Lệ Thủy đã tập trung triển khai xây dựng các dự án du lịch, như: Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang tại xã Kim Thuỷ do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư với diện tích 373,3ha, tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng; dự án khu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC với diện tích 685ha tại xã Hồng Thủy, tổng mức đầu tư 8.400 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng sinh thái Đàn Điểm tại xã Cam Thủy với quy mô 40 phòng, tổng mức đầu tư 30,2 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, một số dự án dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn đã được UBND tỉnh phê duyệt, quyết định đầu tư, như: dự án khách sạn SAMUEL; dự án khách sạn Golden tại thị trấn Kiến Giang theo tiêu chuẩn 3 sao; dự án Trạm dừng nghỉ miền Trung tại thị trấn Lệ Ninh với quy mô 3ha nhằm phục vụ khách và bảo dưỡng phương tiện trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông…
Du khách viếng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy.
Du khách viếng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy.
Ngoài ra, huyện Lệ Thủy cũng kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát vùng du lịch biển Ngư Thủy Bắc, du lịch sinh thái Bàu Sen, như: dự án Khu nhà hàng khách sạn nghỉ dưỡng ven biển Khang Long tại xã Ngư Thủy Bắc với quy mô diện tích 10,81ha, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; dự án khu du lịch và đô thị nghỉ dưỡng, thể thao và giải trí cao cấp Bàu Sen của tập đoàn FLC với quy mô dự kiến 2.000ha.
 
Mặt khác, huyện Lệ Thủy cũng chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch, như: thực hiện khai thác du lịch nội địa trong dịp tổ chức lễ hội nhằm giới thiệu quảng bá các di tích lịch sử văn hóa và tâm linh kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (cho phép Công ty TNHH Netin khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều);phối hợp với Đoàn cán bộ thuộc Dự án bảo tồn thiên nhiên Việt đến khe Nước Trong xã Kim Thủy tham quan hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại khu vực này và tiến hành công tác bảo tồn thiên nhiên, quảng bá du lịch sinh thái...
 
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, việc thu hút đầu tư phát triển dịch vụ chưa mạnh, tiến độ triển khai các dự án còn chậm so với kế hoạch; các loại hình dịch vụ phát triển mang tính tự phát, phần lớn theo nhu cầu thị trường ngắn hạn, các điểm có tiềm năng du lịch chưa được các nhà đầu tư quan tâm; sản phẩm du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được đưa vào khai thác nên chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương...
 
Thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các tiềm năng du lịch; quảng bá về lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang, về di sản hò khoan Lệ Thủy và một số danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương... nhằm đưa du lịch Lệ Thủy phát triển thành điểm du lịch trọng điểm phía Nam của tỉnh.
 
Ngọc Hải-Xuân Vương