Chống khai thác IUU: Vẫn còn nhiều thách thức

  • 12:36 | Chủ Nhật, 30/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 23-10-2017, Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điều đáng nói là sau 2 lần kiểm tra (vào tháng 5-2018 và tháng 11-2019), theo kết luận của EC, việc thực hiện các khuyến nghị nhằm tháo dỡ thẻ vàng và đánh giá hiện trạng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam vẫn chưa tạo đột biến, chưa đủ sức răn đe trong triển khai thực hiện và EC gia hạn áp dụng thẻ vàng để Việt Nam tiếp tục khắc phục.
 
Nỗ lực đáng ghi nhận
 
Thẻ vàng mà EC áp dụng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu là do khai thác không có giấy phép hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác thủy sản; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản; sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; khai thác trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác các loài cấm khai thác hoặc dưới kích thước cho phép khai thác; khai thác trái phép trong vùng biển nước ngoài…
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, gần 3 năm qua, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC và xem đây là nhiệm vụ quan trọng cũng như cơ hội để chấn chỉnh công tác quản lý ngành thủy sản của địa phương.
 
Trong đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU; đồng thời, tổ chức nhiều đoàn công tác triển khai các đợt cao điểm chống khai thác IUU đối với các đơn vị tuyến biển. Sở Nông nghiệp-PTNT ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh xử lý.
 
Riêng trong những tháng đầu năm 2020, chính quyền các địa phương ven biển đã tổ chức 7 hội nghị với gần 500 lượt người tham dự; triển khai cho 635 chủ tàu/thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
 
Mặt khác, Sở Nông nghiệp-PTNT lồng ghép tuyên truyền, đào tạo nghiệp vụ nghề cá cho gần 1.000 ngư dân trong tỉnh… Các địa phương ven biển đã vận động được 1.029/1.043 chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt 98%.
Quảng Bình hiện còn 216 tàu cá chưa được cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.
Quảng Bình hiện còn 216 tàu cá chưa được cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 188 tỉnh cho biết, những năm qua, các đơn vị chức năng cấp tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển đã tăng cường triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về khai thác IUU. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất khó khăn, thiếu lao động, một số ngư dân thua lỗ liên tục sau nhiều chuyến đi biển nên các lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền, chỉ tập trung xử phạt các lỗi nghiêm trọng.
 
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 4 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý 25 trường hợp vi phạm, số tiền xử phạt hơn 150 triệu đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp và phối hợp kiểm tra hơn 17.000 lượt tàu cá với hơn 116.000 lao động, phát hiện, xử phạt 52 tàu cá vi phạm với số tiền gần 300 triệu đồng. Cùng với đó, chính quyền các địa phương ven biển cũng đã chủ động kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản vùng nước nội địa trên địa bàn; đồng thời, nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản.
 
Nhiều khó khăn, vướng mắc
 
Về cơ bản, công tác phòng, chống khai thác IUU của tỉnh ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của EC thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm và đòi hỏi sự hợp lực của các cấp, ngành, địa phương.
 
Bố Trạch là một trong những địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất, nhì tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, khó khăn lớn nhất của huyện Bố Trạch là phương tiện, nhân lực bảo đảm công tác kiểm soát, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép của các tàu giã cào hạn chế. Vì thế, cùng với việc ký cam kết đối với các chủ tàu thì cũng cần tập trung xử lý nghiêm các sai phạm để bảo đảm tính răn đe theo khuyến cáo của EC.
 
Riêng xã Đức Trạch, mặc dù là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ được xếp vào loại nhiều nhất tỉnh, nhưng nguồn lợi thủy sản đánh bắt được của địa phương chủ yếu là tiêu thụ trong nội địa. Vì thế, các ngành chức năng cần chủ động tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ giá trị nguồn lợi thủy sản khi xuất khẩu để có kế hoạch triển khai nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Việc giám sát thủy sản lên cảng tại Quảng Bình chủ yếu dựa vào thông tin do chủ mua hàng cung cấp nên chưa ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác IUU.
Việc giám sát thủy sản lên cảng tại Quảng Bình chủ yếu dựa vào thông tin do chủ mua hàng cung cấp nên chưa ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác IUU.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho rằng, một trong những khó khăn của tỉnh trong thực hiện công tác chống khai thác IUU là chưa xác định được hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng để quản lý theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Quảng Bình hiện còn 216 tàu cá chưa được cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi nên không hoạt động được hoặc hoạt động bất hợp pháp. Sở đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản gửi Bộ Nông nghiệp-PTNT cấp thêm hạn ngạch khai thác thủy sản vùng khơi cho tỉnh nhưng chưa có kết quả.
 
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đánh dấu tàu cá vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều chủ tàu cá, thuyền trưởng có trình độ, ý thức chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản kém. Cá biệt có một số thuyền trưởng mù chữ nên việc ghi chép, nộp nhật ký khai thác thủy sản chưa được thực hiện nghiêm túc… Điều này dẫn đến việc không ít tàu cá xa bờ tỉnh ta cố tình (hoặc vô ý) vi phạm vùng biển nước ngoài và bị xử lý.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thông báo Quảng Bình có 35 tàu cá vi phạm vùng biển Trung Quốc. Từ hệ thống giám sát hành trình tàu cá phát hiện 175 tàu cá Quảng Bình vượt ranh giới cho phép trên biển. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã xác minh được 51 tàu cá và kết quả cho thấy tất cả đều di chuyển hoặc thả trôi qua vùng biển Trung Quốc chứ không khai thác.
 
“Thách thức lớn nhất của tỉnh trong thực hiện công tác chống khai thác IUU là việc xác minh để xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do khi Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thông báo danh sách tàu cá vi phạm lại không gửi kèm các bằng chứng như hình ảnh, biên bản vi phạm… Mặt khác tính pháp lý của vùng biển ngoài đường đóng cửa vịnh Bắc Bộ chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong xác minh, xử lý vi phạm. Nhìn chung, hệ thống giám sát hành trình tàu cá hoạt động chưa ổn định, hiện tượng mất kết nối vẫn còn xảy ra. Nhiều trường hợp do đơn vị cung cấp thiết bị tiến hành nâng cấp hệ thống, xóa dữ liệu nên đã ảnh hưởng đến khả năng xác định vị trí của ngư dân và công tác quản lý của cơ quan chức năng”-ông Mai Văn Minh cho biết thêm.
Nguyễn Hoàng