OCOP từ góc nhìn người tiêu dùng-Kỳ 2: "Khoác áo mới" cho sản phẩm OCOP

  • 08:18 | Thứ Hai, 20/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chất lượng sản phẩm tốt, khâu quảng bá ấn tượng, hoàn thiện, nhưng nếu mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu yếu, sản phẩm OCOP Quảng Bình cũng rất khó tìm được vị thế trên thị trường. Vì lẽ đó, hành trình “khoác áo mới” cho sản phẩm OCOP chưa bao giờ là dễ dàng.
 
Gian nan nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm
 
Năm 2019, Sở Công thương phối hợp với Công ty TNHH MTV An Nông triển khai điểm bán sản phẩm OCOP tại TP. Đồng Hới. Chị Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty An Nông cho biết, với 30 mặt hàng đa dạng và chất lượng ổn định, như: khoai deo, tinh bột nghệ, cà gai leo, nấm..., điểm bán hàng thực sự thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Một số sản phẩm OCOP Quảng Bình đang ngày càng thay đổi về mẫu mã, bao bì, đáp ứng thị hiếu khách hàng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh các công ty, doanh nghiệp có nguồn lực mạnh dạn đầu tư với mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, hiện đại, tiện dùng, đa phần các HTX, tổ hợp tác hay cơ sở sản xuất nhỏ lại ít chú trọng nhiều đến khâu này. Chính vì vậy, khách hàng ngoại tỉnh hay khách du lịch vẫn chưa thực sự ấn tượng và quyết định lựa chọn các sản phẩm OCOP Quảng Bình.
Bên cạnh chất lượng bảo đảm, nhờ bao bì, nhãn mác hiện đại, các sản phẩm nấm của HTX Tuấn Linh được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn.
Bên cạnh chất lượng bảo đảm, nhờ bao bì, nhãn mác hiện đại, các sản phẩm nấm của HTX Tuấn Linh được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn.
Gặp chị Nguyễn Thị Vượng (Thái Thủy, Lệ Thủy) bên lề một đợt tập huấn của Chi cục Phát triển nông thôn về sản phẩm OCOP, chị hào hứng chia sẻ về sản phẩm tinh dầu tràm, dầu sả của gia đình chị được huyện Lệ Thủy xây dựng chuỗi giá trị, tạo điều kiện hỗ trợ về các khâu và giờ đây được thị trường biết đến rộng rãi, ưa chuộng.
 
Cách đây gần 8 năm, khi chúng tôi lên vùng bán sơn địa Thái Thủy tìm hiểu về nghề truyền thống làm tinh dầu tràm, cơ sở sản xuất của gia đình chị còn nhỏ lẻ, nồi nấu thủ công, nguyên liệu tự nhiên không đủ cung cấp... Thì nay, gia đình chị được hỗ trợ đầu tư nhiều thiết bị hiện đại và nhất là xây dựng vùng nhiên liệu chủ động. Sản phẩm tinh dầu của gia đình chị đã có nhãn hiệu, hộp đựng chứ không thô sơ, thủ công như trước. Ấy vậy, chị vẫn trăn trở bởi buộc phải sử dụng chai đựng tinh dầu có đóng nhãn hiệu của nhà cung cấp.
 
Chị tâm sự, do chưa tìm được nguồn cung ứng nên đành chấp nhận, mặc dù biết rõ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín sản phẩm. Vậy là, nhãn hiệu "chồng" nhãn hiệu trên 1 sản phẩm tiềm năng.
 
Sản phẩm khoai deo sấy gừng của HTX SXKD và DV khoai lang Lâm Hường (Thanh Thủy, Lệ Thủy) rất được ưa chuộng trong thời gian qua cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chị Lê Thị Hường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, do không tìm được nguồn cung ứng vỏ hộp, nên chị đành phải dán tem truy xuất nguồn gốc che bớt phần nào nhãn hiệu của nhà sản xuất vỏ hộp.
 
Theo một khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn tại 159 xã, phường và thị trấn tỉnh Quảng Bình về sản phẩm có nguồn gốc lợi thế địa phương, toàn tỉnh có 189 sản phẩm, phân theo 5/6 nhóm sản phẩm OCOP (thời điểm trước khi triển khai đề án OCOP). Trong đó, chỉ có 23 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 16 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
 
Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, tiêu chí bao bì nhãn mác mới dừng ở mức có đầy đủ các yếu tố, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt, chưa hiển thị các tiêu chuẩn và chưa phù hợp với tiêu chuẩn thương mại quốc tế.
 
Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 1 sao, các tiêu chí về tính hoàn thiện của bao bì, phong cách của bao bì đạt mức điểm thấp nhất do hầu hết sản phẩm sử dụng bao bì truyền thống, không phát triển thêm hoặc không có bao bì, chỉ để trong túi/chai hoặc đóng gói thông thường.
 
Băn khoăn xây dựng nhãn hiệu, tạo lập thương hiệu
 
Chị Lê Thị Hường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Lâm Hường cho biết, chị đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu gần 3 năm, nhưng phải tới gần đây, chị mới được nhận giấy chứng nhận. Tuy vậy, do thực hiện cách đây 3 năm, chủ yếu do con cháu trong nhà tự mày mò, lắp ghép hình ảnh, câu từ nên nhãn hiệu còn đơn giản, thiếu điểm nhấn, chưa tạo ấn tượng. Thậm chí, các sản phẩm từ khoai deo của HTX đã thay đổi bao bì hiện đại, nhưng vì nhãn hiệu, nên vơi bớt phần nào tính chuyên nghiệp của sản phẩm. "Biết làm sao được, nhãn hiệu thì đã đăng ký rồi, giá như lúc đó có người hướng dẫn, hỗ trợ thì đã khác!", chị Hường tiếc nuối chia sẻ.
 
Chị Nguyễn Thị Đoàn, HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Hải Ninh, Quảng Ninh) cũng không hài lòng với nhãn hiệu và bao bì các sản phẩm hiện tại. Theo chị, do cơ sở tự làm rồi đưa ra cửa hàng nhờ in ấn, nên màu sắc, bố cục nhãn hiệu, bao bì chưa được ưng ý. Bức ảnh về cảnh đợi thuyền đánh cá về tại biển Hải Ninh trên bao bì sản phẩm do chính chị chụp từ điện thoại nên chưa đạt chuẩn về bố cục, màu sắc...
 
Hay câu chuyện "khó quên" của một HTX tinh bột nghệ trên địa bàn huyện nọ phải đổi nhãn hiệu tới 3 lần. Theo đó, lần đầu tiên, khi sản phẩm mới ra mắt, cơ sở lựa chọn nhãn hiệu sản phẩm theo đúng tên gọi của mình. Sau này, do làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, cơ sở được nâng lên quy mô HTX và lấy tên HTX sản xuất chế biến nông sản huyện X. Nhận thấy tương lai sẽ xây dựng nhãn hiệu tập thể, đồng thời, tăng sức quảng bá cho sản phẩm, HTX lại được huyện gợi ý nên đặt nhãn hiệu kèm tên địa danh của huyện. HTX nhanh chóng thay đổi nhãn hiệu thành "tinh bột nghệ huyện X".
 
Tuy nhiên, tiếp đó, huyện lại có thông tin không cho phép HTX sử dụng tên nhãn hiệu này bởi đây là nhãn hiệu tập thể, còn sản phẩm là của HTX, không thể mang nhãn hiệu chung toàn huyện. Vậy là, lần thứ 3, HTX lại phải thay đổi nhãn hiệu, trở lại nhãn hiệu ban đầu. Chưa kể tốn tiền in ấn, việc thay đổi nhãn hiệu liên tục còn làm ảnh hưởng đến sự tin dùng của khách hàng, tính ổn định, bền vững của nhãn hiệu sản phẩm, gây hoang mang cho chính người sản xuất. 
Bao bì, nhãn mác của các sản phẩm thủy hải sản khô cần được hỗ trợ tích cực để hiện đại, tiện dụng hơn.
Bao bì, nhãn mác của các sản phẩm thủy hải sản khô cần được hỗ trợ tích cực để hiện đại, tiện dụng hơn.
Ông Hoàng Xuân Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tiêu chí về bao bì, nhãn mác là một trong những tiêu chí để chấm điểm trong đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, thực tế qua quá trình triển khai đề án OCOP cho thấy, sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã được các chủ thể kinh tế đầu tư mạnh về khâu thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác theo đúng quy định, tuy nhiên, một số sản phẩm mẫu mã bao bì chưa được đánh giá cao về ngoại quan.
 
Do đó, ngay khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND công nhận kết quả đánh giá phân hạng 24 sản phẩm OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn đã ban hành công văn hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các chủ thể kinh tế tiếp tục hoàn thiện nâng cấp sản phẩm, trong đó, chú trọng đến khâu thiết kế lại bao bì, nhãn mác sản phẩm. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế trong khâu thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác nhằm hoàn thiện hơn nữa bao bì nhãn mác của sản phẩm.
Mai Nhân
Kỳ 3: OCOP và "trận chiến" với Covid-19