Nuôi bò lai, hướng mới để thoát nghèo

  • 13:07 | Thứ Hai, 27/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm khai thác lợi thế vùng gò đồi với diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trọng tâm là chăn nuôi bò lai. Đây cũng là hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
 
Trên cơ sở Nghị quyết số 03-NQ/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân, đưa công tác phát triển đàn bò lai vào chỉ tiêu Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện ban hành đề án, xây dựng kế hoạch và quyết định giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các xã điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất để khuyến khích nông dân trồng cỏ; tạo điều kiện thuận lợi để người dân xây dựng trang trại, gia trại, đồng thời, chú trọng đưa các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào chăn nuôi.
 
Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, từ năm 2016 đến nay, huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ mua bò lai với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ mua bò cái lai sinh sản thuộc hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn kinh phí chương trình 135, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Việc đưa các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò lai trên địa bàn".
 Nuôi bò lai góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân Tuyên Hóa.
Nuôi bò lai góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân Tuyên Hóa.
Để người dân từng bước tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã tổ chức 140 lớp tập huấn cho trên 3.500 lượt người về kỹ thuật chăn nuôi bò lai; kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật ủ rơm, ủ chua, ủ xanh thức ăn cho trâu, bò. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã tận dụng hết các nguồn phụ phẩm nông sản tại chỗ, như: rơm, thân cây ngô, lạc..., làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa mưa rét; đồng thời, chủ động trồng ngô thân, lá vụ đông làm thức ăn cho trâu, bò.
 
Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án, huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ chăn nuôi tham quan những mô hình hiệu quả về chăn nuôi bò lai, vỗ béo bò, trồng cỏ tại Công ty sinh thái Cát Ngọc (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh), Công ty TNHH Lê Dũng Linh (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch) và các tỉnh lân cận. Phong trào hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò lai từng bước phát triển, tạo điều kiện để các hộ nuôi trao đổi thông tin về kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị.
 
Đến nay, toàn huyện đã có 20 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã chăn nuôi bò lai đang hoạt động hiệu quả và có 177 hộ dân chăn nuôi bò lai từ 5 con trở lên. Diện tích trồng cỏ để phát triển chăn nuôi trong toàn huyện đạt trên 536ha. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò lai.
 
Ông Nguyễn Đăng Khoa, thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa chia sẻ, trước đây, gia đình ông chủ yếu chăn nuôi bò cỏ, tuy nhiên, thu nhập không cao. Từ năm 2017, khi chuyển hướng nuôi bò lai, ông được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi bò, được tư vấn kỹ thuật về phối giống cũng như cách ủ rơm, ủ xanh làm thức ăn cho bò. Đến nay, đàn bò lai của gia đình ông từ 5-10 con; sau thời gian nuôi khoảng 6 tháng có thể xuất bán với giá từ 15 đến 20 triệu đồng/con, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
 
Cùng với việc chú trọng các giải pháp về kỹ thuật, nguồn giống, huyện Tuyên Hóa đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thú y, phòng, chống đói rét cho vật nuôi; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải nhằm tận dụng tối đa nguồn phân bò để phục vụ sản xuất các loại cây trồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
 
Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp phát triển chăn nuôi bền vững, đến nay, tỷ trọng chăn nuôi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đạt 52,6% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn bò là 16.002 con, đạt 106,7% kế hoạch; tổng số đàn bò lai 10.801 con, đạt 102,9% kế hoạch.
 
Tỷ lệ bò lai tăng từ 45% (năm 2015) lên 67,5% (năm 2019) và đạt 103,8% so với kế hoạch. Ngoài việc tăng tổng đàn, so sánh với giá cả thị trường hiện tại cho thấy, với cùng độ tuổi, sau khi trừ chi phí thức ăn tinh thì bò lai có giá trị cao hơn bò nội 11,5 triệu đồng/con, góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
 
Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tập trung ưu tiên phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò lai; đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và áp dụng quy trình chăn nuôi bền vững, khép kín gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường.
 
Trước mắt, huyện sẽ tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại các xã có lợi thế, như: Thạch Hóa, Cao Quảng, Lê Hóa, Kim Hóa..., tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi; quy hoạch vùng trồng cỏ, chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém chất lượng sang trồng ngô lấy thân, lá nhằm tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi.
 
"Hiện huyện Tuyên Hóa đang thử nghiệm mô hình bò 3B tại xã Châu Hóa do Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật. Đây là giống bò mới, có nguồn gốc từ giống bò nhập ngoại được người chăn nuôi đón nhận bởi những đặc điểm nổi trội. Với mô hình bò siêu thịt này, huyện dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các xã trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng nguồn giống, phát triển tổng đàn; phấn đấu đến năm 2025, duy trì và phát triển đàn bò trên 16.500 con với tỷ lệ bò lai chiếm trên 80% tổng đàn", ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp- -PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết thêm.
 
                                                                                                             Th. Hải