Khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế

  • 08:41 | Thứ Hai, 27/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là huyện có lợi thế về rừng, nhưng do địa hình bị chia cắt cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu, nên Tuyên Hóa không dễ tìm ra lối mở cho phát triển kinh tế. Nhưng, những năm gần đây, địa phương này đã mạnh dạn khai mở những tiềm năng, phát huy thế mạnh theo cách thức khác biệt .   
 
Trăn trở với rừng
 
Nhìn vườn cam, bưởi Phúc Trạch rộng hơn 7ha, hơn 2 năm tuổi xanh um đã cho ra những chùm trái đầu mùa, anh Trương Quốc Việt ở thôn Kim Lũ, xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa) khấp khởi mừng vui. Thế là công lao sau nhiều năm lao đao, lận đận vì rừng, giờ đây sắp thành hiện thực. Vốn là người sinh ra và lớn lên ở xứ rừng núi xã Kim Hóa, anh bảo anh rất đam mê và yêu thích trồng rừng. Cũng chính niềm đam mê này mà bao nhiêu năm bám rừng, anh Việt đã vấp phải không ít lần thất bại và phải chặt bỏ cây vì hiệu quả không cao.
 
“May mắn vì có chút tiềm lực, bởi mình có một doanh nghiệp sản xuất than hoạt tính khá thành công ở Lào, chứ không cũng khó đứng vững”, anh cho hay. Trước đây, cũng trên chính diện tích đất này, anh là một trong số ít người ở xã Kim Hóa lựa chọn cây keo, tràm để trồng. Nhưng rồi sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh phải bỏ cuộc. Lý do không phải vì nhiều người cho rằng chất đất ở đây không phù hợp để trồng rừng, đặc biệt là keo, tràm, mà bởi anh thấy hiệu quả kinh tế không cao. Rồi sau đó là cây cà phê, cây chuối, cây huê.
 
Đến năm 2010, khi phong trào trồng cây cao su đang rầm rộ và được ví như là cây “vàng trắng”, anh liền chọn cây cao su. Nhưng trồng được vài năm, thì những cơn bão của năm 2013, 2017 quét qua, khiến phần lớn diện tích rừng cao su này bị gãy đổ. Vậy là bao nhiêu công sức, vốn liếng làm ăn bấy lâu dồn vào gần 16ha rừng đổ sông đổ bể.
 
Trăn trở, suy nghĩ mãi, cuối cùng năm 2018, anh quyết định chọn trồng các loại cây có múi, như: cam, bưởi, quýt, bởi trên địa bàn xã đã có hộ thu nhập cao từ bưởi. Trong khi đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Kim Hóa cũng tương đồng với các địa phương trồng bưởi ở tỉnh Hà Tĩnh. Trước khi trồng, để chắc chắn hơn, anh cất công mang mẫu đất, nước ở đây đi giám định.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa thăm và kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa thăm và kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn.
May sao, tất cả các yếu tố đều đủ điều kiện để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có múi. Vậy là anh bắt đầu trồng với quy mô lớn.Và hiện tại, anh Việt đã trồng được 5,5ha cây cam chanh, 2ha bưởi Phúc Trạch. “Sắp tới, toàn bộ diện tích 16ha này sẽ được phủ xanh toàn bộ bằng các loại cây ăn quả”, anh Việt cho biết.
 
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa cho biết, ít ai nghĩ rằng, những loại cây ăn quả như cây bưởi, loại cây “ăn chơi”, giờ đây lại có thể mang lại cho người dân nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điều đặc biệt hơn khi nó lại có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên các diện tích đất được xem là kém hiệu quả. Hiện trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo, tràm, cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, với diện tích hơn 37ha.
 
Nhận thấy tiềm năng thế mạnh này, thời gian tới, bên cạnh việc phát triển chăn nuôi bò lai, trồng rừng gỗ lớn, xã đang tiến hành quy hoạch khu vực trồng các loại cây ăn quả có múi tập trung, như: bưởi, cam, có diện tích khoảng 100ha. Về lâu dài, xã Kim Hóa cũng sẽ cho thành lập hợp tác xã để các gia đình tổ chức, hợp tác sản xuất hàng hóa các sản phẩm cây có múi với quy mô lớn, chất lượng cao, gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
 
Xây dựng “Vựa cây ăn quả có múi”
 
Câu chuyện người dân chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao không phải mới bắt đầu thời gian gần đây trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Năm 2017, được sự hỗ trợ của tiểu dự án đầu tư nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (SRDP), xã Thanh Thạch đã chuyển đổi 14ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch. Giờ đây, diện tích bưởi trồng tập trung này đã chuẩn bị cho thu hoạch.
 
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thạch Võ Thị Thu cho biết, Thanh Thạch là xã miền núi, rẻo cao, đất chật người đông, đời sống của người dân còn thấp. Những năm qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Việc chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như cây bưởi trong thời gian vừa qua đã bước đầu mang lại hiệu quả cao so với các loại cây trồng trước đó. Sự thành công của mô hình này đã mở lối cho địa phương trong việc nhận diện và khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế.   
 
Thời gian tới, xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến rừng, như: nghề nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò lai và trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu đưa trồng rừng và chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, tiếp tục quy hoạch chuyển đổi một số diện tích đất rừng sản xuất sang trồng cây ăn quả có múi, như: cam, bưởi Phúc Trạch.  
 
Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, mặc dù Tuyên Hóa có lợi thế về rừng, song sản lượng và giá trị sản xuất chưa tạo được nguồn thu nhập chính giúp người dân thoát nghèo, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai xảy ra với cường độ cao và ngày càng nghiêm trọng khiến cho đời sống của người dân càng gặp nhiều khó khăn.
 
Những trận bão lớn năm 2013 và năm 2017 đã làm gãy đổ hàng nghìn ha rừng trồng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng còn chậm; việc thâm canh, chuyên canh sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao chưa được chú trọng; sản xuất chưa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm khiến cho giá trị sản xuất/đơn vị diện tích còn thấp.
 
Vì vậy, những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngành trồng trọt cho phù hợp với điều kiện đất đai, địa hình và biến đổi khí hậu; đồng thời, phát huy lợi thế từng vùng và nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp. Trên địa bàn đã xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa và các loại cây ăn quả.
 
Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Tuyên Hóa đã chuyển đổi được gần 230ha đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng rừng, cây ăn quả, cây dược liệu và cây nông nghiệp ngắn ngày. Việc chuyển đổi đã bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Tuyên Hóa sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các sản phẩm phù hợp với lợi thế; đồng thời, trồng rừng theo hướng phát triển các loại cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu vùng đồi, như: cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây có múi, cây dược liệu.
 
Việc tái cơ cấu phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, gắn phát triển nông nghiệp bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp, kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
 
Dương Công Hợp