Đứng lên sau thất bại

  • 08:29 | Thứ Tư, 01/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là câu chuyện của ông chủ trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Hồ Thanh Hải (sinh năm 1964, ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch). Nhìn cơ ngơi khang trang, bài bản, ít ai ngờ được ông chủ trang trại chăn nuôi này mới bắt đầu đứng lên sau thất bại chỉ cách đây 4 năm về trước.
 
Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Lộc, nhưng khi đầu tư phát triển kinh tế, anh Hồ Thanh Hải lại chọn vùng đất đồi ở xã Cự Nẫm để mở rộng sản xuất. Trước khi nuôi lợn áp dụng công nghệ cao đưa lại lợi nhuận lớn, anh Hải từng trắng tay vì đầu tư không ít vào chăn nuôi bò và bị thua lỗ trên 3 tỷ đồng. 
 
Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, anh Hải cho biết, năm 2016, với chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, anh bắt đầu từ hợp đồng chăn nuôi lợn thịt áp dụng công nghệ cao với Công ty CP Việt Nam. Trên tổng diện tích 10ha đất, anh xây dựng trang trại đạt chuẩn chăn nuôi với quy mô 2.000 lợn thịt/lứa; tổng vốn đầu tư ban đầu trên 4 tỷ đồng. Hệ thống chuồng trại được xây dựng theo thiết kế đạt chuẩn của Công ty CP Việt Nam đặt ra, với 4 dãy chuồng, 28 ô chuồng, có hệ thống làm mát, hệ thống máng uống tự động, máng ăn bán tự động và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngoài đầu tư chăn nuôi lợn thịt áp dụng công nghệ cao, anh Hồ Thanh Hải (áo kẻ ô) còn duy trì hoạt động nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel.
Ngoài đầu tư chăn nuôi lợn thịt áp dụng công nghệ cao, anh Hồ Thanh Hải (áo kẻ ô) còn duy trì hoạt động nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel.
“Vấn đề xử lý chất thải trong chăn nuôi là hết sức quan trọng để làm sao khỏi ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, nên khi xây dựng trang trại, tôi đã đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas tiên tiến, xây hố ga phủ bạt 2.000 khối. Bên cạnh đó, trong khuôn viên trang trại còn trồng 5ha cỏ VA06. Do vậy, nguồn phân thu được sau khi xử lý sử dụng để bón cho cỏ.”, anh Hải chia sẻ.
 
Đến nay, trang trại chăn nuôi của anh Hải đi vào hoạt động ổn định. Công ty CP Việt Nam cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và thu  mua lợn hơi với giá 3.500 đồng/kg. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm anh Hải xuất bán 2 lứa lợn thịt; tổng giá trị thu vào 1,4 tỷ đồng/năm.
 
Từ mô hình này, anh Hồ Thanh Hải giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương 7,2 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí điện, nước, khấu hao chuồng trại và lương cho công nhân, mỗi năm, gia đình anh Hải thu được 800 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, trong vòng 5 năm,  gia đình anh sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.
 
Theo anh Hải, mô hình nuôi gia công cho các công ty lớn như Công ty CP Việt Nam có tính ổn định cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, với sự hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết của đội ngũ kỹ thuật viên sẽ hạn chế được rủi ro do dịch bệnh. Những lúc giá thịt lợn hơi xuống thấp như cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017 thì việc lựa chọn hình thức chăn nuôi gia công là bảo đảm an toàn, do giá thu mua ổn định.
 
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, năm 2020, anh Hải đã mạnh dạn tự đầu tư nuôi áp dụng công nghệ cao, tự chi trả. Trong năm đầu áp dụng, theo tính toán sơ bộ, đến cuối năm nay, nếu “thuận buồm xuôi gió”, trừ mọi chi phí, gia đình anh Hải sẽ thu lãi 3-4 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Hồ Thanh Hải đang điều hành duy trì hoạt động nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 55 lao động với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết: “Anh Hồ Thanh Hải là một trong những điển hình của huyện mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trước thị trường biến động, nhưng mô hình chăn nuôi của anh Hải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng và giá cả nên đã đứng vững và ngày càng mở rộng, phát triển.”
 
“Nếu được tạo điều kiện cấp đất, quy hoạch vùng chăn nuôi, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trại giống để tự cung cấp nguồn giống đạt chất lượng cho trang trại của mình và người chăn nuôi trên địa bàn; đồng thời xây dựng lò giết mổ tập trung; tiến tới hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phù hợp với địa bàn và sự phát triển của huyện Bố Trạch.”, anh Hồ Thanh Hải chia sẻ thêm.
 
                                                                                          Hương Trà