Bất cập trong sắp xếp bộ máy ngành chăn nuôi và thú y

  • 14:51 | Thứ Năm, 30/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy, tháng 1-2019, các trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN), trực thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập các trạm chăn nuôi và thú y (CNTY), trạm khuyến nông và trạm trồng trọt-bảo vệ thực vật. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên, vẫn còn xảy ra lúng túng trong công tác điều hành các trung tâm. Đặc biệt, ngành CNTY đang gặp khó khi thiếu chức năng quản lý nhà nước (QLNN) xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở.
 
Khó trong công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục CNTY cho biết, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản thường xuyên xảy ra, luôn có diễn biến phức tạp và khó lường. Nhiều bệnh mới nổi xâm nhập gây thiệt hại lớn cho ngành kinh tế, như: dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), DIV1 trên tôm nuôi…
 
Tại Quảng Bình, trong 3 năm gần đây thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, như: bệnh lở mồm long móng (LMLM), DTLCP. Tuy nhiên, nhờ hệ thống thú y cơ sở giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nên việc phát hiện và báo cáo dịch bệnh kịp thời, góp phần lớn cho Chi cục chủ động tham mưu đưa ra phương án xử lý phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
 
Nhưng từ năm 2019 đến nay, khi sáp nhập trạm CNTY về UBND cấp huyện quản lý, ngành thú y gặp khó khi thiếu chức năng QLNN xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống thú y cơ sở, lực lượng mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh của Chi cục không còn, việc giám sát, báo cáo thông tin dịch bệnh không được thực hiện xuyên suốt, kịp thời, thậm chí còn dễ xảy ra tình trạng “nhìn” nhau.
 
Ông Trần Công Tám chia sẻ: “Nếu như trước đây, khi xảy ra dịch bệnh, Chi cục có thể huy động lực lượng và thiết bị ở các trạm để tham gia ứng phó, nhưng giờ đơn vị chủ quản là UBND các huyện, thị xã, thành phố, nên Chi cục muốn điều động cũng khó. Bên cạnh đó, nhân lực phụ trách CNTY tại các Trung tâm DVNN khá mỏng và nhiệm vụ chính là tuyên truyền phổ biến, nên thiếu lực lượng phát hiện, dập dịch ở cơ sở…, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chống dịch”.
 
Do các trung tâm DVNN thiếu chức năng QLNN nên công tác kiểm dịch kiểm soát giết mổ (KSGM), vận chuyển, kiểm tra an toàn thực phẩm... cũng gặp khó khăn. Ông Trần Công Tám cho biết, theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, việc kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh do cơ quan thú y cấp tỉnh thực hiện và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại nơi xuất phát.
 
Tuy nhiên, hiện nay, do sáp nhập thành trung tâm DVNN, nên công tác kiểm dịch tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Chi cục cấp tỉnh không ủy quyền kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các trung tâm DVNN huyện, vì kiểm dịch viên theo quy định phải là công chức (Thông tư số 07/2015/TT-BNV), trong khi trung tâm là đơn vị sự nghiệp.
 
Bên cạnh đó, Chi cục chỉ có từ 4-5 kiểm dịch viên động vật, lực lượng mỏng, công việc nhiều, địa bàn vùng sâu, vùng xa (huyện Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa)..., nên chưa bảo đảm tuyệt đối quy trình, quy định của Luật Thú y và nhu cầu người dân.
Trung tâm DVNN huyện thiếu chức năng quản lý nhà nước, do đó, gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm DVNN huyện thiếu chức năng quản lý nhà nước, do đó, gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, kể từ khi sáp nhập trạm CNTY, trạm khuyến nông và trạm trồng trọt-bảo vệ thực vật thành trung tâm DVNN, huyện gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng thực hiện KSGM nhưng phải thực hiện, khi thực hiện huyện phải có văn bản giao nhiệm vụ...
 
Cùng với những khó khăn, bất cấp trong công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, KSGM…, theo nhận định của cán bộ ngành nông nghiệp và các đơn vị, địa phương, khi hệ thống thú y không còn xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, đến xã, công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới, kiến thức, kỹ thuật chuyên môn cũng bị ảnh hưởng. Việc cử người tham dự các khóa đào tạo không được chú trọng nên các khóa tập huấn chủ yếu sẽ là cán bộ thú y cấp tỉnh, Trung ương tham dự.
 
Cần có hướng điều chỉnh phù hợp
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, các trung tâm DVNN được thành lập theo đề án số 981/ĐA-UBND. Dù trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu việc thành lập các trung tâm đã cho thấy một số mặt tích cực, như: nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND cấp huyện trong công tác chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ CNTY, thủy sản trên địa bàn; giảm từ 3 đầu mối xuống còn 1 đầu mối, về lâu dài sẽ giảm chi phí QLNN. Tuy vậy, trung tâm DVNN khi triển khai thực hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là trong công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra, KSGM, phòng chống dịch bệnh…
 
Trước những khó khăn, bất cập trên và với tình hình DTLCP đang có nguy cơ tái phát trên diện rộng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị và Nghị quyết 42 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP, trong đó có việc duy trì và kiện toàn hệ thống thú y các cấp, theo đúng quy định của Luật Thú y.
 
Do đó, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tiến hành soạn thảo đề án kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp, theo tinh thần Nghị quyết số 100/2019/QH14, ngày 27-11-2019 của Quốc hội và Luật Thú y, trong đó có việc thành lập trạm CNTY huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở các trạm CNTY trước đây (trước khi chuyển giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố).
 
Mục tiêu của đề án là nhằm bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, tập trung, khai thác tối đa nguồn lực, tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật, củng cố hệ thống giám sát thú y cơ sở đủ năng lực thực thi nhiệm vụ.
 
Sau khi soạn thảo đề án, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tiến hành lấy ý kiến của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành… Theo đó, các ý kiến đều cơ bản thống nhất với chủ trương thành lập lại Trạm CNTY. Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Khi sáp nhập Trạm CNTY huyện về Trung tâm DVNN, trong thực hiện nhiệm vụ, công việc gặp nhiều khó khăn, bị động do Trung tâm không có chức năng QLNN. Việc tái lập Trạm CNTY chắc chắn sẽ có hiệu quả và thuận lợi hơn”.
 
Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “UBND huyện Tuyên Hóa thống nhất với chủ trương thành lập lại Trạm CNTY. Dù tách hay nhập, giữa UBND huyện và Chi cục CNTY cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ”.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, sau khi lấy ý kiến, chỉnh sửa hoàn thiện, đề án đã được trình lên Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt, xem xét để có hướng điều chỉnh phù hợp, giúp bộ máy ngành CNTY hoạt động hiệu quả.
Lê Mai