Trồng dưa lưới công nghệ cao trên vùng cát

  • 08:05 | Thứ Ba, 30/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng mô hình trồng dưa lưới, anh Võ Minh Sáng (SN 1976), ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn là điển hình dám nghĩ, dám làm. Vụ mùa đầu tiên thành công, hứa hẹn một lối đi mới đầy triển vọng...
 
Những ngày này, gia đình anh Sáng đang tất bật thu hoạch dưa lưới để xuất bán cho các thương lái từ miền Bắc vào. Sau hơn 3 tháng chăm bón từng gốc dưa, khi từng quả dưa to đều, đẹp được xếp lên xe, nụ cười của anh nông dân Võ Minh Sáng như càng rạng rỡ hơn.
 
Ở vùng cát Quảng Long, xưa nay, người dân chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp truyền thống tại địa phương như: mía, sắn hay các loại rau, hoa… Người dân Quảng Long vốn có thế mạnh từ các nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại, dịch vụ nhưng để làm giàu từ sản xuất nông nghiệp thì có lẽ chưa bao giờ ai dám nghĩ. Gia đình anh Sáng cũng vậy, nhiều năm nay, hơn 3ha đất nông nghiệp được thuê lại từ UBND phường chủ yếu để trồng mía. Thế nhưng, cuối năm 2019, anh Sáng đã gom hết số tiền tiết kiệm, vay mượn thêm rồi đầu tư gần cả tỷ đồng để xây dựng nhà kính, trồng dưa lưới ngay trên vùng cát.
 
Biết ý tưởng của anh, anh em, bạn bè ai cũng khuyên can hết lời. Trong khu vực phường và các địa phương lân cận, cũng có người đã thực hiện thành công mô hình này nhưng phần lớn đều được các dự án của Nhà nước hỗ trợ và có cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, bỏ ra cả số lớn tiền lớn để đầu tư như anh thì chẳng mấy ai dám làm.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Võ Minh Sáng, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Võ Minh Sáng, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.
Để đầu tư tiền tỷ giữa vùng cát, ít ai biết rằng ý tưởng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được anh Sáng nung nấu từ nhiều năm trước. Anh Sáng chia sẻ, ban đầu xem sách báo thấy có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao làm ăn hiệu quả, nên anh rất hứng thú. Nhưng để chọn trồng cây gì có hiệu quả nhất, đặc biệt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, lại mất khá nhiều thời gian.
 
Mấy năm trước, thời gian nông nhàn, anh Sáng đều lặn lội vào các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng-những địa phương phát triển nông nghiệp cao để tìm tòi, học hỏi. Vừa làm công vừa học tập kỹ thuật, anh cũng nỗ lực tìm loại cây trồng phù hợp.
 
Sau thời gian học hỏi, anh nhận thấy cây dưa lưới dễ dàng thích nghi trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao như ở Quảng Bình. Hơn 2 năm lăn lộn tại các mô hình trồng dưa lưới ở Ninh Thuận, cuối năm 2019, anh Sáng về quê quyết tâm đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng trên vùng cát Quảng Long.
 
Anh Sáng cho hay, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm, như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ và đặc biệt là phải theo dõi, thụ phấn cho cây đúng thời gian cây vừa ra hoa vào lúc 8 giờ-10 giờ.
 
Với số vốn đầu tư ban đầu gần 900 triệu đồng, anh đã trồng thử nghiệm 2.500 gốc dưa lưới trên diện tích 1.200m2. Nhà màng được thiết kế để có sức chịu đựng được gió giật cấp 10 và dễ dàng kéo cuộn lại nếu gặp bão lớn đổ bộ. Hệ thống nước tưới, phân bón hữu cơ đều được nhập khẩu theo công nghệ Đức, Israel.
 
Theo tính toán của anh Sáng, mỗi năm có thể trồng được 3 vụ, mỗi vụ khoảng 3 tấn dưa, ước tính sẽ thu về khoảng 250 triệu đồng/vụ. Hiện tại, sau vụ thu hoạch đầu tay, kết quả đúng như mong đợi của anh, hầu hết dưa lưới được nhập cho các thương lái ở Nghệ An và khu vực phía Bắc đã được ký kết hợp đồng trước đó.
 
Thành công từ mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Sáng hứa hẹn một hướng đi mới và nếu được triển khai nhân rộng sẽ tạo đột phá tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Mô hình trồng dưa lưới của anh Sáng tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.
 
Cũng theo anh Sáng, những vụ tiếp theo, anh sẽ dành khoảng một nửa sản lượng dưa lưới, chấp nhận khả năng bù lỗ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở thị trường trong tỉnh, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất.
 
Hiện tại, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với người nông dân Ba Đồn nói riêng cũng như toàn tỉnh nói chung, đặc biệt là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng nông thôn hiện nay, bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như thị trường đầu ra sản phẩm. Vậy nên, rất cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, chính quyền địa phương để nhân rộng các mô hình sản xuất này.
 
X.Phú