Tour khám phá các di chỉ ở TP. Đồng Hới, tại sao không?

  • 10:20 | Thứ Ba, 02/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - TP. Đồng Hới vốn được biết đến với những bãi biển đẹp, nguyên sơ, nét ẩm thực phong phú, đa đạng, các di tích lịch sử-văn hóa còn in đậm dấu vết thời gian… Nhưng, vẫn còn nét thâm sâu, phần hồn cốt của thành phố "hoa hồng" ít được du khách biết đến. Đó chính là những di chỉ khảo cổ vẹn nguyên giá trị, chứa đựng cả một câu chuyện dài của người xưa…
 
Cách TP. Đồng Hới 5km về phía Tây, di chỉ khu lò gốm, sành Mỹ Cương nằm lặng lẽ sát phía Bắc sông Mỹ Cương, một nhánh sông nhỏ chảy ra sông Lệ Kỳ, nhập vào sông Nhật Lệ, rồi đổ ra cửa biển Nhật Lệ.
 
Xưa kia, đây là làng thủ công truyền thống có nghề nung gốm, sành sớm nhất. Di chỉ được phát hiện cuối năm 1996 bởi người dân địa phương và khai quật năm 1997. Bên cạnh những hiện vật gốm, sành vỡ, nhiều dấu tích lộ thiên của các lò nấu, như: tường lò, nền lò… vẫn còn hiện hữu mặc cho con tạo xoay vần.
 
Gia đình ông Trần Định Dị (89 tuổi­, tổ dân phố 7, Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) còn lưu dấu tích một lò gốm, sành ngay trong sân nhà và vẫn giữ một vài hiện vật giá trị. Ông chia sẻ, thuở trước, ông vẫn được cha mẹ kể về lò gồm, sành này, nhưng rồi thời gian trôi qua, nhiều đồ gốm, sành trong nhà không còn nữa.
 
Cầm trên tay chiếc chì gốm đánh cá thô sơ, ông Nhị chỉ cho phóng viên rành rõ từng nền lò, tường lò rêu xanh và cả khu lò chìm sâu dưới cát mịn. Qua lời kể của ông, sức sống của lò gốm, sành năm nào dường như vẫn còn âm ỉ trong lòng thành phố biển.
 
Theo nhà khảo cổ học Tạ Đình Hà, người trực tiếp tham gia cuộc khai quật năm 1997, quá trình khai quật và nghiên cứu cho thấy, trong thế kỷ 17, 18, tại làng Mỹ Cương có một trung tâm sản xuất đồ gốm, sành với đặc trưng là không tráng men, được nung ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sản xuất chủ yếu là chum, lọ, vại, vò , nồi…
 
Sau khi được khai quật vào năm 1997, di chỉ khu lò gốm, sành Mỹ Cương được trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng vẫn còn nhận thấy rõ những tường lò rêu xanh nằm im lìm trong cuộc sống hối hả. Nhà khảo cổ học Tạ Đình Hà rất trăn trở khi giá trị của di chỉ vẫn chưa được phát huy.
 
Ông chia sẻ, đây là di chỉ khảo cổ mang ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Đồng Hới xưa, là minh chứng cho những thành tựu của người Đồng Hới với nét tài hoa, độc đáo. Tuy vậy, rất ít người, nhất là giới trẻ biết về di chỉ này. Ông rất mong muốn, di chỉ sẽ được đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách yêu thích khám phá, trải nghiệm.
Mát xanh Bàu Tró... (Ảnh: T.Hành)
Mát xanh Bàu Tró... (Ảnh: T. Hành)
Cùng với di chỉ khu lò gốm, sành Mỹ Cương, di chỉ Bàu Tró cũng hứa hẹn sẽ là một điểm đến ấn tượng với du khách thập phương. Được nhà khảo cổ học người Pháp E. Patte khai quật năm 1923, di chỉ là một bàu nước ngọt ở phía Bắc thành phố Đồng Hới, đặc trưng cho loại hình cư trú ven biển miền Trung.
 
Qua nhiều lần khai quật, những hiện vật tìm thấy, như: rìu, bôn có vai, phiên tước ghè từ hạch đá, hòn ghè, bàn mài lõm lòng chảo hình chữ U, dùi làm bằng xương động vật… đã chứng minh sự tồn tại của cư dân sống chủ yếu bằng khai thác hái lượm từ tự nhiên và thuộc vào thời đại Đá mới.
 
Hiện nay, với những giá trị lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, di chỉ Bàu Tró vẫn được nhiều trang web du lịch xếp vào các điểm đến hấp dẫn, nên khám phá ở Quảng Bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít tour du lịch lựa chọn Bàu Tró là điểm đến.
 
Một tour du lịch khám phá lịch sử thành phố "Hoa hồng" từ thuở xa xưa đến những năm tháng chiến tranh giữ nước và quá trình phát triển sau này sẽ rất hấp dẫn với những du khách yêu thích khám phá, nhất là những bạn trẻ chưa có điều kiện tìm hiểu về chính mảnh đất của mình.
 
Các trường học, cơ sở giáo dục có lẽ cần những tìm hiểu và nghiên cứu để đưa tour khám phá này vào các chương trình ngoại khóa, bởi không kiến thức sách vở nào dễ tiếp thu hơn chính thực tế trải nghiệm.
 
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đẩy mạnh du lịch nội địa, hướng đến nguồn khách từ chính địa phương để phát triển du lịch "hậu" Covid-19.
                                                                                                Mai Nhân