Thay đổi để phát triển kinh tế biển bền vững

  • 08:31 | Thứ Năm, 11/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với Quảng Bình hiện nay, kinh tế biển đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tuy nhiên, để kinh tế biển phát triển bền vững, Quảng Bình cần có chiến lược tổng hợp với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương.
 
Với đường bờ biển dài, vùng đặc quyền lãnh hải và thềm lục địa rộng, Quảng Bình có nhiều nguồn tài nguyên biển quý hiếm và phong phú về loài, có giá trị cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, sản lượng khai thác hải sản các loại của tỉnh Quảng Bình không ngừng tăng, năng lực khai thác đánh bắt hải sản, hoạt động hậu cần biển và dịch vụ nghề cá được các địa phương ven biển chú trọng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và người dân địa phương.
 
Bên cạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, với đường bờ biển dài, nhiều thắng cảnh đẹp, Quảng Bình còn là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch biển và ven biển. Đặc biệt, các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển, như: quần thể resort biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC, sân golf Bảo Ninh-Hải Ninh, Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa-Đảo Yến..., ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách; góp phần tăng thu nhập và từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Quảng Bình sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Quảng Bình sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.
Nhằm phát triển bền vững kinh tế biển, Quảng Bình đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mục tiêu đưa các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15-20% GRDP của tỉnh; kinh tế của các huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85-90% GRDP của tỉnh; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển.
 
Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quản lý tổng hợp vùng bờ; tiến hành rà soát đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm sự phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Quảng Bình tập trung phát triển các vùng biển dựa vào lợi thế điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
 
Cụ thể, vùng biển và ven biển phía Bắc từ Đèo Ngang đến Bắc sông Gianh sẽ được xây dựng thành trung tâm kinh tế, trong đó Khu kinh tế Hòn La là khu kinh tế tổng hợp nòng cốt với các ngành chủ chốt là công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, dịch vụ cảng biển, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch nghỉ dưỡng.
 
Vùng biển và ven biển trung tâm từ Nam Sông Gianh đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh sẽ phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng du lịch biển cao cấp, nông nghiệp sinh thái, đánh bắt xa bờ, các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh tế biển. Vùng biển và ven biển phía Nam từ xã Hải Ninh đến Hạ Cờ sẽ ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, nuôi trồng và chế biến thủy sản, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp kết hợp với du lịch cộng đồng, sinh thái.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đình Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển và hải đảo Quảng Bình cho biết, nhằm phát triển thành công và đột phá các ngành kinh tế biển, Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp, thể hiện rõ trong Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Đối với du lịch và dịch vụ biển, Quảng Bình chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vùng ven biển, như: Vũng Chùa-Đảo Yến, Nhật Lệ-Bảo Ninh, Hải Ninh…; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và trên thế giới.
 
Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch biển, đảo, như: Vũng Chùa-Đảo Yến, Đảo Chim, vịnh Hòn La; phát triển dịch vụ thể thao trên biển, như: lướt ván, đua thuyền buồm, dù bay, mô tô nước…; hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch; đẩy mạnh du lịch cộng đồng.
 
Đối với công nghiệp ven biển, trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, Quảng Bình định hướng Khu kinh tế biển Hòn La phải đóng vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và làm động lực phát triển vùng và gắn kết liên vùng; đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hệ thống đường ven biển, kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới, như: KCN Tây Bắc Quán Hàu, Cam Liên, Khu đô thị sinh thái Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh… theo hướng tiếp cận mô hình khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư;chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao...
 
Bên cạnh đó, Quảng Bình sẽ đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá và nhà máy chế biến thủy sản; ưu tiên xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông cảng biển Hòn La thành cảng nước sâu trung chuyển quốc tế với đường 12, nối Lào và Đông Bắc Thái Lan, Myanma và các nước trong khu vực...; xây dựng đội tàu vận tải biển, vận tải sông biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại; thí điểm và hình thành các tuyến và cảng vận tải đón hành khách du lịch trên biển ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển tỉnh Quảng Bình.
 
Đặc biệt, với định hướng “thay đổi để phát triển kinh tế biển bền vững”, Quảng Bình sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên khoáng sản vùng ven biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án điện gió và các dạng năng lượng khác theo quy hoạch được phê duyệt sớm đi vào hoạt động.
 
                                                                                                      Th.Hải