Quy Đạt - "phố núi" đang chuyển mình

  • 08:08 | Thứ Ba, 30/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Đường lên Quy Đạt nghe bên tai gió hát/Con chim nó hót, ơi con suối nó chào/Em đi tìm anh từ nương ngô xanh thắm…”. Quy Đạt hôm nay đâu chỉ có “chim hót”, “suối chào”, “nương ngô xanh thắm”… mà đang chuyển mình trở thành một “phố núi” hiện đại, xứng tầm trung tâm huyện lỵ của huyện Minh Hóa ngày càng phát triển…
 
Thị trấn xinh đẹp vùng sơn cước
 
Ai đã từng đến thị trấn Quy Đạt, đều phải công nhận một điều: Quy Đạt rất đẹp! Tuy là thị trấn vùng sơn cước, nhưng Quy Đạt có địa hình khá bằng phẳng, có sông, có núi tạo thành một khung cảnh thiên nhiên bình yên, tươi đẹp và cùng với bầu không khí rất trong lành. Đến Quy Đạt thời điểm này, đi dọc theo những trục đường trong thị trấn, ở đâu cũng rực rỡ sắc màu cờ hoa, bởi nơi đây đang diễn ra những sự kiện trọng đại của huyện Minh Hóa: 30 năm Ngày tái lập huyện (1-7-1990 - 1-7-2020) và Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025…
 
Ký ức về “phố núi” xa xôi, cách trở ngày nào bây giờ đã tan biến bởi giao thông về trung tâm huyện Minh Hóa rất thuận lợi. Tuyến quốc lộ 12 đi qua thị trấn Quy Đạt vừa được nâng cấp, mở rộng cứ 30 phút có một chuyến khách từ Đồng Hới lên hoặc từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngược về. Con đường mang tầm chiến lược này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thị trấn Quy Đạt thêm phần năng động, khởi sắc.
 
Sau 30 năm tái lập huyện, giờ đây, về các khu phố ở thị trấn Quy Đạt, bộ mặt nông thôn đã thay đổi hẳn, dáng dấp của một “phố núi” xinh đẹp, hiện đại đang dần hiện hữu. Trong các khu phố của thị trấn Quy Đạt đã thưa dần những ngôi nhà tuềnh toàng, những con đường đất ẩm thấp và “phố núi” xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán, khách sạn, nhà nghỉ…
 Thị trấn Quy Đạt nhìn từ trên cao.
Thị trấn Quy Đạt nhìn từ trên cao.
Ngược dòng thời gian, khoảng 10 năm về trước, hầu hết những tuyến đường trong thị trấn Quy Đạt nhỏ hẹp, chưa được bêtông, đi lại khó khăn. Ngày đó, cán bộ miền xuôi lên công tác, quý lắm thì được bố trí ở nhà khách của huyện, còn lại cứ nhà dân xin ở nhờ.
 
Từ năm 2015 đến nay, để xây dựng thị trấn xứng tầm trung tâm huyện lỵ của huyện Minh Hóa đang ngày càng phát triển, thị trấn Quy Đạt đã đầu tư xây dựng trên 40 công trình cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng. Nhiều công trình công cộng như nhà thi đấu thể thao, khu vui chơi giải trí, điện, đường, cây xanh…cũng được huyện Minh Hóa quan tâm đầu tư làm cho “phố núi” ngày càng văn minh, hiện đại.
 
Kỳ vọng về một đô thị du lịch
 
Ông Đinh Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt cho biết, thị trấn hiện có 7 tiểu khu và 4 thôn, diện tích 15,27km2, dân số 8.062 người. Nhiều năm trước, nền kinh tế của thị trấn Quy Đạt chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gầy đây, nền kinh tế của thị trấn đã chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ. Hiện, trên địa bàn thị trấn Quy Đạt có 727 hộ (chiếm tỷ lệ 32,24% dân số) hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân và khách du lịch.
 
Đặc biệt, thị trấn có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp, con người tình cảm, mến khách và nằm gần các điểm du lịch hấp dẫn như: Hệ thống hang động Tú Làn, thác Bụt - giếng Tiên… Hàng năm, thị trấn Quy Đạt còn là nơi diễn ra Hội Rằm tháng ba truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa.
 
Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau rằng: “Thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba...”. Ai đã từng đến dự Hội Rằm tháng ba Minh Hóa, dẫu chỉ một lần thôi cũng sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng đặc biệt của nó. Đó là vẻ huyền ảo của ánh trăng rằm miền sơn cước quyện trong tiếng hát đúm (một điệu hát giao duyên của người Nguồn) bày tỏ tình yêu lứa đôi. Đó là những món ăn đặc sản đậm chất truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa…
 
Từ ngày tái lập huyện Minh Hóa (1-7-1990) đến nay, Hội Rằm tháng ba đã được tổ chức khá bài bản, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cũng như phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân trong toàn huyện. Đến 2004, Hội Rằm tháng ba truyền thống của Minh Hóa đã được UBND tỉnh công nhận là lễ hội văn hóa truyền thống cấp tỉnh và được tổ chức thành tuần lễ với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, sôi nổi, hấp dẫn.
 
Với những tiềm năng và lợi thế đó, huyện Minh Hóa đang hướng tới việc quy hoạch và phát triển thị trấn Quy Đạt thành một đô thị du lịch, nhằm thu hút du khách, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Kiến trúc sư Bùi Ngọc Anh, người chủ trì đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Quy Đạt và vùng phụ cận huyện Minh Hóa đến năm 2030” đánh giá: “Thị trấn Quy Đạt có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp gắn với sông Quy Đạt và núi đồi xung quanh, thuận lợi để xây dựng một đô thị xanh có cấu trúc đặc trưng của miền sơn cước. Ngoài ra, Quy Đạt có hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối với các điểm du lịch hấp dẫn của huyện và của tỉnh nên rất thuận lợi cho phát triển dịch vụ du lịch và giao lưu phát triển kinh tế.”
 
Trong định hướng phát triển, huyện Minh Hóa đặt mục tiêu xây dựng Quy Đạt thành trung tâm huyện lỵ có môi trường sống chất lượng cao, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa; khai thác những giá trị cảnh quan thiên nhiên; kết nối các thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch bền vững. Kỳ vọng rằng, trong tương lai không xa, thị trấn Quy Đạt sẽ trở thành một đô thị du lịch, một điểm đến hấp dẫn của miền sơn cước Minh Hóa.
 
Phan Phương