OCOP nâng tầm nông sản Quảng Ninh-Bài 2: Nâng cao chất lượng chương trình OCOP

  • 08:21 | Thứ Hai, 01/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; phấn đấu có 3 sản phẩm được xếp hạng cấp tỉnh đạt 3 sao, 3 sản phẩm đạt 2 sao. Để làm được điều đó, huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch dài hơi với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
 
Khó khăn bước đầu
 
Là một trong số các chuỗi liên kết nông sản được ưu tiên đầu tư nhằm tạo tiền đề tham gia OCOP, chuỗi sản xuất và tiêu thụ gạo Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, nhằm xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm gạo của địa phương, xã Vĩnh Ninh đã chọn HTX Vĩnh Trung làm trung tâm, chịu trách nhiệm sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm. Trên cơ sở sự hỗ trợ của huyện và các đơn vị tư vấn, HTX Vĩnh Trung đã tiến hành xây dựng đề án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và quy hoạch vùng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao.
 
Theo kế hoạch, chuỗi giá trị gạo Vĩnh Tuy có quy mô thực hiện 60ha, sản xuất trong 3 vụ, từ vụ đông-xuân 2018-2019 với kinh phí hỗ trợ hơn 500 triệu đồng, sản lượng tiêu thụ thông qua ký kết là 210 tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay, sau 2 vụ sản xuất, sản lượng gạo Vĩnh Tuy được tiêu thụ đạt thấp.
 
Nguyên nhân là do mặc dù được sản xuất trên quy trình canh tác lúa cải tiến SRI theo hướng sinh học nhưng sản xuất gạo theo chuỗi giá trị ở đây còn mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiếu tính bền vững.  
Chương trình OCOP tạo cơ hội nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Quảng Ninh.
Chương trình OCOP tạo cơ hội nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Quảng Ninh.
Theo các thành viên HTX Vĩnh Trung, cùng với yếu tố thổ nhưỡng đặc biệt, việc sử dụng giống lúa truyền thống P6 chính là yếu tố quan trọng để hạt gạo Vĩnh Tuy có chất lượng thơm ngon, trở thành thương hiệu “có tiếng” trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, giống lúa P6 trên đồng đất Vĩnh Ninh có khả năng chống chịu sâu bệnh kém (người địa phương gọi là hiện tượng “lại giống”).
 
Năng suất, sản lượng tiêu thụ không bảo đảm theo kế hoạch đã ký kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm, gạo Vĩnh Tuy đành chọn giải pháp tiếp tục làm theo phương thức truyền thống để giữ vững thương hiệu.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đó bổ sung chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; bố trí cán bộ phụ trách triển khai thực hiện chương trình OCOP từ huyện đến các xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm, tổ chức tập huấn trong thực hiện đề án.
 
Từ các chuỗi giá trị được xác định ưu tiên, huyện Quảng Ninh thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh theo chương trình liên kết sản xuất, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giống, đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, có nhiều chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
 
Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình OCOP tại Quảng Ninh cho thấy vẫn còn một số khó khăn ban đầu. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Kèm theo đó, các loại nông sản chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng; mẫu mã chưa phong phú; các hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, số lượng HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu là quy mô nhỏ. Ngoài ra, phần lớn các chủ thể kinh tế trên địa bàn huyện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trực tiếp sản xuất và thị trường sẵn có nên rất hạn chế trong việc tiêu chuẩn hóa nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
 
Đồng bộ các giải pháp triển khai
 
Năm 2020, huyện Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt 4 chuỗi sản phẩm đã được phê duyệt (gồm: gạo Vĩnh Tuy, mật ong Trường Xuân, khoai deo Hải Ninh và dưa hấu Hàm Ninh) và xây dựng, triển khai thực hiện 3 chuỗi sản phẩm mới gồm tinh dầu sả ở Trường Xuân, tôm Hải Ninh và rau Gia Ninh, Võ Ninh; phấn đấu có 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và 3 sản phẩm được xếp hạng 2 sao cấp tỉnh, đồng thời hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
 
Để chương trình OCOP huyện Quảng Ninh phát huy hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Theo đó, huyện ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP để mỗi người dân, chủ thể sản xuất hiểu rõ hơn về chu trình OCOP, tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm cũng như các chính sách hỗ trợ khi tham gia OCOP. 
Sản phẩm nấm linh chi của HTX Bắc Tiến đang từng bước tiêu chuẩn hóa nhằm nâng hạng OCOP.
Sản phẩm nấm linh chi của HTX Bắc Tiến đang từng bước tiêu chuẩn hóa nhằm nâng hạng OCOP.
Song song với việc hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện chương trình, các địa phương tiếp tục vận động, khuyến khích các chủ thể phát triển các mô hình, sản phẩm đã chọn; tiếp tục hình thành thêm nhiều tổ chức mạnh dạn đứng ra sản xuất, bao tiêu sản phẩm OCOP.
 
Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình OCOP theo hướng đi sâu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại mạnh mẽ; việc phát triển sản phẩm phải gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện đề án ngay tại địa phương.
 
Bà Trương Thị Lược, Giám đốc HTX Bắc Tiến, xã Hiền Ninh chia sẻ, năm 2019, sản phẩm trà nấm Linh chi của HTX Bắc Tiến đã đạt chuẩn 2 sao cấp huyện. Hiện HTX đã chủ động được nguyên liệu, hoàn chỉnh quy trình sản xuất và kết nối ổn định 2 chiều với các HTX khác trong cả nước để bao tiêu sản phẩm cung cấp chủ yếu cho thị trường các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế…
 
Nhằm nâng cao chất lượng, tiến tới nâng hạng trong thực hiện chương trình OCOP, HTX Bắc Tiến mong muốn có sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương trong hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ sản phẩm.
 
“Thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng đã có để hướng dẫn, hỗ trợ, nâng cấp, hoàn thiện nhằm tiêu chuẩn hóa sản phẩm; đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn vốn mục tiêu, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất tiếp cận nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm OCOP, qua đó, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn”, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
                                                                                                                        
         Thanh Hải