Tuyên Hoá tiếp tục phát triển nghề nuôi ong lấy mật

  • 08:38 | Thứ Bảy, 09/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tận dụng lợi thế của một huyện miền núi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chất lượng mật ong Tuyên Hóa đang ngày càng khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình trên thị trường.
 
Anh Nguyễn Thế Anh ở thôn Đại Sơn được biết đến là một trong những người nuôi ong hiệu quả của xã Đồng Hóa. Trước đây, anh tập trung chăn nuôi gia cầm. Nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật thích hợp với địa hình đồi núi của địa phương, anh Anh đã bàn bạc với gia đình mua ong mật về nuôi. Ban đầu kinh nghiệm chưa có nên sản lượng mật chưa cao.
 
Đến tháng 8-2018, được sự hỗ trợ về con giống của Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và sự hỗ trợ kỹ thuật của CLB nuôi ong xã Đồng Hóa, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và đã thành công.
 
Từ 7 đàn ong ban đầu, đến nay, sau 2 năm, anh đã nhân giống lên 22 đàn. Vị trí nuôi ong của anh nằm sát bên rừng keo và khu đồi của xã nên hoa nhiều, là nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Năm 2019, đàn ong của anh cho thu hoạch trên 100 lít mật, với giá bán 400.000 đồng/lít, anh đã thu về gần 40 triệu đồng.
 

Năm nay, tuy mới bắt đầu bước vào mùa thu hoạch mật ong mới nhưng anh đã thu hoạch được 80 lít mật ong, dự kiến đến cuối mùa sẽ thu hoạch trên 200 lít. 

Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Tuyên Hóa mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Tuyên Hóa mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng có trụ sở ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa được thành lập tháng 8-2018 với 22 hội viên. Đến nay, HTX đã tăng lên 25 hội viên.
 
Được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Quảng Bình hỗ trợ, quy mô HTX không ngừng phát triển. Sản phẩm mật ong của HTX đã được kiểm định chất lượng, được dán nhãn hiệu của HTX, nút chai được đóng bằng máy, mật ong sau khi đóng chai được bảo quản cẩn thận.
 
Các hội viên trong HTX có sự trao đổi, liên kết sản xuất, thường xuyên học tập, chia sẻ kinh nghiệm nên chất lượng và sản lượng mật ong ngày càng được nâng cao. Năm 2018, HTX thu hoạch gần 4,6 tấn mật, thu về 816 triệu đồng. Đến năm 2019, doanh thu đã tăng lên gần 850 triệu đồng.
 
Bên cạnh sản phẩm mật ong, nhiều hội viên còn bán ong giống và sáp ong thu lợi nhuận cao. HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy cho khách hàng. Do đó, mặc dù sản lượng mật lớn, nhưng vẫn không đủ để cung ứng cho thị trường.
 
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng chia sẻ, bà con xã viên rất tin tưởng vào HTX trong việc quản lý mật ong và tư vấn cho bà con về nuôi ong lấy mật và khai thác mật bảo đảm chất lượng. Sản lượng mật ong ngày một tăng lên, chất lượng mật ong ngày một nâng cao, khách hàng luôn tin tưởngcác sản phẩm của HTX nên lượng mật thu hoạch đều được tiêu thụ 100%, . Thời gian tới, bà con sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng nuôi ong lấy mật, ổn định thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Là địa phương có diện tích đồi núi chiếm ưu thế, Tuyên Hóa rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hoa của các loại cây trái nhiều, là nguồn thức ăn dồi dào, phong phú cho loài ong mật. Nhiều năm trở lại đây, thương hiệu “mật ong Tuyên Hóa”đã dần khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Hội nuôi ong huyện Tuyên Hóa hiện có 315 hội viên, nuôi gần 4.700 đàn ong. Năm 2019, sản lượng mật ong toàn hội đạt 20 tấn, thu về gần 3,5 tỷ đồng. Nhờ nuôi ong mà nhiều hội viên đã xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Hiện nay, nhiều sản phẩm được chế xuất từ mật ong, như: chanh đào mật ong, cao mật ong..., đang tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng.
 
Tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Tuyên Hóa rất lớn, do đó, huyện Tuyên Hóa đang khuyến khích các hộ dân tiếp tục duy trì và phát triển, tập trung theo hình thức HTX. Ngoài hiệu quả về kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đồng thời, nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.
 
“Thời gian tới, Hội nuôi ong huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong; khuyến khích hội viên tăng tổng đàn nhằm tăng sản lượng mật ong. Đặc biệt, Hội sẽ chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm khẳng định thương hiệu mật ong Tuyên Hóa”, ông Mai Văn Thiệu, Chủ tịch Hội nuôi ong huyện Tuyên Hóa cho biết.
                                                                     Thương Huyền
                                                            Đài TT- TH Tuyên Hóa