Trồng sen trên đất lúa

  • 16:38 | Thứ Ba, 26/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Phan Quốc Thắng (SN 1972, Quảng Phương, Quảng Trạch) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Từ thành công của anh, nhiều người dân trong vùng cũng đã học tập và chuyển đổi sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Tâm sự về cơ duyên gắn bó với cây sen trên vùng đất có truyền thống sản xuất lúa như Quảng Phương, anh Phan Quốc Thắng cho hay, trước đây ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, người dân chỉ sản xuất độc canh cây lúa hai vụ. Do ở vùng trũng thấp, nên nhiều diện tích ruộng lúa năng suất đạt rất thấp, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho gia đình chứ làm giàu thì rất khó. Qua suy nghĩ, tôi đã bàn với vợ, một là phải mở một dịch vụ ngành nghề nào đó, hai là mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế.
 
Trong điều kiện đất ruộng trũng, thấp, tôi lại có nhiều năm làm việc ở phía Bắc, học kinh nghiệm trồng sen của người dân, nên tôi quyết định đầu tư chuyển đổi trồng lúa sang trồng sen kết hợp chăn nuôi cá, vịt.
 
Năm 2013, tôi làm đơn trình lên xã xin nhận thầu 4ha ruộng thuộc vùng đầm lầy để chuyển sang trồng sen kết hợp chăn nuôi. Đây là vùng ruộng trũng, đất bị nhiễm phèn. Khi xã chấp nhận cho gia đình tôi chuyển đổi sang trồng sen, bước đầu tôi thuê nhân công đắp bờ và dành 2ha để trồng sen kết hợp nuôi cá. Số diện tích còn lại tôi làm trang trại tổng hợp để chăn nuôi vịt đẻ và vịt lấy thịt. Tổng số vốn đầu tư lúc đó khoảng trên 50 triệu đồng.
 Anh Phan Quốc Thắng bên ruộng sen 2ha của mình
Anh Phan Quốc Thắng bên ruộng sen 2ha của mình
Mặc dù là người trồng sen đầu tiên ở thôn nhưng do đã đi tham quan và học tập kinh nghiệm trồng sen ở các tỉnh phía Bắc nên vụ sen đầu tiên của anh đã mang lại năng suất cao. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra lại là khó khăn lớn nhất với anh lúc này. Để tìm được đầu ra ổn định và giá cả phù hợp, anh lại một lần nữa lặn lội ra các tỉnh phía Bắc để tìm mối thu mua. Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng, anh cũng tìm được đầu ra với giá cả ổn định cho sản phẩm hạt sen.
 
Anh Thắng tâm sự: "Nếu tìm được đầu ra cho hạt sen thì trồng sen đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Đặc thù của cây sen là một năm chỉ trồng 1 vụ. Giống mình cũng chỉ đầu tư một lần, công chăm sóc và vật tư phân bón bỏ ra cũng rất ít. Chi phí 1ha sen chỉ hết khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi năng suất lại đạt 90-95 tạ/ha. Với giá sen tươi từ 40-50.000/kg thì lãi bình quân đạt từ 56-60 triệu đồng/ha".
 
Thấy anh Thắng trồng sen hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn cũng đã dần chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Đến nay, toàn thôn đã có 46 hộ trồng sen. Năm 2018, xã Quảng Phương thực hiện dồn điền đổi thửa. Anh Thắng đã vận động các hộ dân trồng sen mạnh dạn nhận phần ruộng của gia đình mình về một thửa.
 
Anh cùng 6 hộ dân đã nhận đất liền kề nhau với tổng diện tích 8ha. Vùng ruộng này được lãnh đạo xã cho phép quy hoạch thành vùng trồng sen. Để giúp các hộ dân trong thôn có nguồn đầu ra ổn định, anh Thắng lại mạnh dạn vận động 6 hộ dân thành lập tổ hợp tác trồng sen thương phẩm do anh làm tổ trưởng để bao tiêu sản phẩm.
 
Do sản phẩm sen của tổ hợp tác không chỉ bán được ở thị trường trong tỉnh mà còn liên kết với thị trường các tỉnh phía Bắc nên số lượng thu hoạch của 6 hộ gia đình trong tổ không đáp ứng kịp số lượng. Chính vì vậy, tổ hợp tác còn bao tiêu sản phẩm cho 46 hộ trồng sen trong thôn với giá thành cao. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho người dân, tổ hợp tác sản xuất của anh Thắng còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 hộ thành viên trong tổ bằng việc sơ chế hạt sen để đóng gói.
 
Nói về dự định sắp tới với cây sen, anh Thắng vui mừng cho biết, hiện tại, anh đang trồng thử 3 sào sen để làm sản phẩm trà ướp sen. Dự tính nếu sản phẩm thành công và đầu ra ổn định, anh sẽ mở rộng thêm diện tích trồng sen để đầu tư sản phẩm trà ướp sen này.
 
Không chỉ sản xuất hiệu quả với mô hình nuôi sen, mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Phan Quốc Thắng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Năm 2015, ngoài trồng sen, tôi với vợ còn quyết định mở rộng quy mô để chăn nuôi theo hướng trang trại.  Trước đó, để chuẩn bị cho việc mở trang trại, tôi đã đi học thêm lớp sơ cấp thú y ở xã. Sau khi học xong, tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Về lợn, tôi nuôi 2 con nái và 5 con lấy thịt, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa. Tận dụng diện tích hồ trồng sen, tôi đã thả nuôi thêm cá mè, gáy và trắm. Ngoài ra, mỗi năm, gia đình tôi còn nuôi 400 con vịt lấy trứng, 900-1000 con vịt thịt. Mô hình chăn nuôi tổng hợp này mang về thu nhập từ 80-100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình tôi”, anh Thắng cho biết.
 
Sau những năm cố gắng lao động, sản xuất, năm 2016, anh Phan Quốc Thắng được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, cuối năm 2019 vừa qua, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có những thành tích trong sản xuất, kinh doanh.
 
Đ.N