Phát triển cây chanh leo trên vùng đất Quảng Kim

  • 08:00 | Thứ Ba, 19/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thời gian qua, nhiều hộ nông dân của huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Mô hình trồng cây chanh leo trên vùng đất đồi tại địa bàn xã Quảng Kim đã mở hướng phát triển kinh tế mới, bước đầu cho hiệu quả cao.
 
Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2019, gia đình ông Từ Ngọc Hoàng ở thôn 5, xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi 3ha đất trồng cây bạch đàn sang trồng cây chanh leo, theo hướng hàng hóa. Qua hơn 6 tháng đưa vào trồng và tích cực chăm sóc, đến nay, vườn chanh leo của gia đình ông Hoàng phát triển rất tốt.
 
Ông Từ Ngọc Hoàng chia sẻ: "Ban đầu, tôi đã phải trải qua một quá trình chăm sóc cây rất khó khăn, nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, cây bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tôi tiếp tục cố gắng chăm sóc, bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng để cây chanh leo phát triển tốt, vụ sau cho năng suất cao hơn".
 
Để có mô hình chanh leo như ngày hôm nay, ông Hoàng đã phải vào tận vùng đất Tây Nguyên để tìm hiểu kỹ thuật trồng chanh leo, mua cây giống, liên hệ với các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông mạnh dạn đầu tư trên 800 triệu đồng cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới nước, giàn leo, trồng 4.500 gốc chanh leo. Hiện nay, vườn chanh bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi gốc cho khoảng 150 quả/vụ, tương đương với 15kg, với giá thị trường 20.000 đồng/kg, mỗi gốc thu được 300.000 đồng.
 
Ông Từ Ngọc Hoàng cho biết thêm: "Qua quá trình chăm sóc, tôi thấy cây chanh leo phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tôi tiếp tục động viên bà con trong thôn cùng phát triển cây chanh leo, bảo đảm cung ứng lượng hàng nhập cho các công ty thu mua để xuất khẩu". 
 
Cây chanh leo có nhiều ưu điểm, như: dễ trồng, dễ chăm bón, quá trình sinh trưởng nhanh, cho sản lượng cao, mỗi lần trồng cho thu hoạch trong vòng 3 năm sau đó mới trồng lại. Quả chanh leo có hương vị chua, ngọt, thanh, có tác dụng thanh nhiệt, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng rãi. Do đó, người trồng chanh leo có thể sớm thu hồi vốn. Theo ông Hoàng, vụ thu hoạch chanh leo là từ tháng 5 cho đến cuối tháng 8, sau đó, bà con cắt cành, tỉa lá, bón phân, chăm sóc để cây phát triển tốt, bảo đảm vụ sau cho sai quả hơn. 
Nếu được chăm sóc tốt, trung bình mỗi gốc chanh leo có thể cho thu hoạch 150 quả/vụ.
Nếu được chăm sóc tốt, trung bình mỗi gốc chanh leo có thể cho thu hoạch 150 quả/vụ.
Để khuyến khích hội viên nông dân mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế mới, Hội Nông dân huyện Quảng Trạch đã hỗ trợ mô hình trồng chanh leo của ông Hoàng 50 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển nông nghiệp của huyện năm 2020.
 
Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Trạch cho biết: "Thời gian tới, Hội sẽ tập trung tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt dạy nghề cho hội viên nông dân để bà con có thể tiếp cận, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tranh thủ các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho nông dân có nguồn vốn đầu tư. Hội tiếp tục quan tâm xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp mới, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, qua đó, giúp nông dân đổi mới tư duy, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển ngành nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững".
 
Bên cạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày, giữ vững diện tích cây lúa nước, bảo đảm an ninh lương thực, việc chuyển một số diện tích đất vườn tạp sang trồng cây chanh leo là hướng đi mới. Thời gian tới, các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp sẽ chuyển đổi sang trồng cây chanh leo theo hướng chuyên canh hàng hóa, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu ra thị trường, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch )