Phát huy vai trò phụ nữ, khẳng định ưu thế hàng Việt

  • 08:56 | Thứ Sáu, 15/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều năm triển khai thực hiện, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tích cực hưởng ứng tham gia. Nhờ đó, người tiêu dùng đã có chuyển biến mạnh trong nhận thức và mua sắm đối với hàng Việt. Đặc biệt, phải kể đến đóng góp của chị em phụ nữ-những người giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành công, Hội xác định cần thu hút sự quan tâm, tham gia của phụ nữ trên cả 3 phương diện: sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, những năm qua, bằng các hoạt động thiết thực, Hội đã chủ động, sáng tạo nỗ lực thực hiện tốt CVĐ.
 
Cụ thể, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hơn 3.100 cuộc tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền các nội dung của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho 90% cán bộ, hội viên phụ nữ; phát hành hơn 2.000 cuốn Thông tin bình đẳng giới và phối hợp với các cơ quan truyền thông đăng hơn 2.000 tin, bài có lồng ghép các nội dung của CVĐ…
 
Hàng năm, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với nhãn hàng Knor, dầu ăn Neptune tổ chức ngày hội “Cơm ngon-Con khỏe”, “Thời trang công sở”, tham gia gửi bài dự thi “Ý tưởng truyền thông về an toàn thực phẩm”… thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia, hưởng ứng. Thông qua hoạt động này, Hội muốn chuyển tải các thông điệp, giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trong nước có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng phù hợp với mức sống, thu nhập của người dân.
Các ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương.
Các ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương.
Để hỗ trợ chị em trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng tổ chức ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”. Thông qua ngày hội, chị em đã có cơ hội giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.
 
Điển hình có ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” và lễ phát động “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng động” được Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2018. Ngày hội có 16 gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp… được sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”. Đến nay, đã có 4 đơn vị tổ chức giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của 90 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
 
Để tăng cường cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm chất lượng, tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài tỉnh, các cấp hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho chị em tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm…; hỗ trợ vốn vay, tập huấn kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, chuyển giao kỹ thuật đối với các mô hình HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp.
 
Hội cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) hướng dẫn xây dựng và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho các sản phẩm, như: dầu lạc Trường Thủy, khoai deo Lâm Hường, cao cà gai leo, nấm Bắc Tiến…; quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nữ mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các mặt hàng.
 
Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã kết nối với 12 cơ sở kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các nhà hàng, trường học đưa sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác vào sử dụng.
 
Trong 10 năm qua (2009-2019), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 550 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… do phụ nữ làm chủ; tuyên truyền về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm sạch, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hội đã tranh thủ các nguồn kinh phí của Trung ương Hội, các sở, ngành, dự án để hỗ trợ tư vấn thành lập 19 HTX do phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý; 44 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết và 789 mô hình kinh tế với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và bảo đảm chất lượng trong khâu sản xuất, kinh doanh, nhiều sản phẩm của Quảng Bình đã được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước tin dùng, tiêu thụ, như: nấm sạch Tuấn Linh, nước mắm Bảo Ninh, khoai gieo Hải Ninh, bánh tráng Quảng Thanh, mây tre xiên Quảng Phương, mật ong Tuyên Hóa…

 
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết,việc tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ trong việc liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm… đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của chị em đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh, trong nước. Qua đó, chị em đã góp phần tích cực trong việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm hàng Việt tăng cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt.
 
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ chị em xây dựng các mô hình HTX, THT…, tạo ra các sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng CVĐ.
 
Lê Mai