OCOP nâng tầm nông sản Quảng Ninh - Bài 1: Những kết quả bước đầu

  • 07:49 | Chủ Nhật, 31/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ…, huyện Quảng Ninh kỳ vọng chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của địa phương.
 
Ngày từ thời gian đầu mới tham gia OCOP, Quảng Ninh đặt mục tiêu mỗi xã đều phải có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực; phấn đấu trong năm 2019 có 2 sản phẩm được công nhận, đánh giá, xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP. Và qua một năm triển khai, chương trình OCOP tại Quảng Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu, có sức lan tỏa mạnh mẽ và thực sự là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.
 
Tín hiệu vui từ sự nỗ lực
 
Thành lập năm 2018, HTX Vương Đoàn (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) trở thành điểm thu mua có uy tín các loại hải sản của địa phương. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX Vương Đoàn cho biết, Hải Ninh vốn sở hữu nguồn hải sản phong phú, tươi ngon nhưng vì là nguồn thực phẩm tươi sống nên khó tiêu thụ dài ngày. Nhằm bao tiêu sản phẩm cho bà con, HTX đã đầu tư máy móc, thu mua hải sản của ngư dân và sấy khô để cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm hải sản khô của HTX Vương Đoàn được nhiều người tiêu dùng quen biết tin tưởng lựa chọn. 
Sản phẩm tôm khô và cá bờm trắng của HTX Vương Đoàn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm tôm khô và cá bờm trắng của HTX Vương Đoàn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Nhằm phát triển các sản phẩm của HTX Vương Đoàn, huyện Quảng Ninh đã giới thiệu HTX tham gia chương trình OCOP, đồng thời, hỗ trợ đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, tư vấn các thủ tục, hồ sơ… Từ việc tham gia chương trình OCOP, HTX Vương Đoàn lần đầu có điều kiện tham dự hội nghị kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung-Tây Nguyên; hội chợ các sản phẩm OCOP tiêu biểu…, qua đó, giúp kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm và học hỏi các điều kiện cải tiến bao bì, nhãn mác.
 
Năm 2019, cùng với việc đăng ký thành công nhãn hiệu sản phẩm, HTX Vương Đoàn đã tiêu thụ được 50 tấn hải sản khô các loại, trong đó có 20 tấn cá bờm trắng ra thị trường các tỉnh phía Bắc, các nước: Lào, Nhật Bản, Thái Lan. Với thị trường tiêu thụ ổn định và ngày càng mở rộng, bình quân mỗi tháng, HTX thu về nguồn lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương và hàng chục lao động thời vụ.
 
Cuối năm 2019, tại hội thi đánh giá phân hạng cấp tỉnh, trong 5 sản phẩm đề xuất của huyện Quảng Ninh đạt tiêu chuẩn 3 sao, HTX Vương Đoàn ghi tên với 2 sản phẩm (tôm khô và cá bờm trắng). Đây chính là “quả ngọt” cho những nỗ lực, cố gắng của địa phương và HTX trong bước đầu tham gia chương trình OCOP.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, qua khảo sát đánh giá, huyện Quảng Ninh hiện có 25 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm sản phẩm có khả năng tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 20 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 1 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược và 1 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm.
 
Để triển khai thực hiện chương trình, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện giai đoạn 2019-2020"; đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất rà soát, đăng ký kế hoạch, lộ trình thực hiện các sản phẩm OCOP.
 
Trên cơ sở đăng ký sản phẩm của các chủ thể, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cùng với đơn vị tư vấn khảo sát các cơ sở, đánh giá sơ bộ về khả năng hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn thiện sản phẩm, lập hồ sơ.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT, trong thời gian triển khai chương trình, UBND huyện cũng đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Theo đó, trong số 7 sản phẩm được đánh giá chấm điểm khách quan làm cơ sở phân hạng sản phẩm thì có 5 sản phẩm trên 50 điểm (đạt 3 sao cấp huyện) và được tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh; 2 sản phẩm từ 40-49 điểm (đạt 2 sao cấp huyện). 
 
Và tại hội nghị đánh, giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cả 5 sản phẩm của huyện Quảng Ninh, gồm: cá bờm trắng, tôm khô của HTX Vương Đoàn (xã Hải Ninh); thịt thỏ Ruby của HTX Hưng Phát (xã Vạn Ninh); khoai deo Như Mận và nước mắm cá Xuân Hồng (xã Hải Ninh) đều được tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
 
Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm
 
Trên cơ sở danh mục OCOP và đề xuất của các địa phương, huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn lựa chọn các danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm để có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, lồng ghép các chính sách, các nguồn vốn hỗ trợ.
 
Nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, ít hiệu quả, năm 2018-2019, UBND huyện Quảng Ninh chọn 4 sản phẩm có lợi thế trên địa bàn gồm: gạo Vĩnh Tuy, mật ong Trường Xuân, khoai deo Hải Ninh và dưa hấu Hàm Ninh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. 
Chuỗi giá trị mật ong Trường Xuân tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên HTX và người nuôi ong trên địa bàn.
Chuỗi giá trị mật ong Trường Xuân tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên HTX và người nuôi ong trên địa bàn.
Ông Võ Thành Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, mật ong Trường Xuân vốn là thương hiệu “có tiếng” với nhiều người tiêu dùng. Và với việc được chọn là 1 trong 4 sản phẩm thế mạnh được huyện Quảng Ninh đầu tư xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, HTX có điều kiện thuận lợi đăng ký thành công nhãn mác, tăng giá trị sản xuất, nâng tầm sản phẩm và khẳng định vị thế trên thị trường. Chuỗi giá trị mật ong Trường Xuân có quy mô 400 đàn ong giống, thực hiện trong 25 tháng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu đồng.
 
Đến nay, các nội dung phê duyệt đã cơ bản được thực hiện, ong sinh trưởng tốt, các thành viên tích cực chăm sóc và nhân đàn với sản lượng mật ong được tiêu thụ thông qua ký kết là 3.700 kg/năm. Với giá bán 270.000 đồng/kg, chuỗi giá trị mật ong Trường Xuân đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên HTX và người nuôi ong trên địa bàn.
 
“Huyện Quảng Ninh ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc trưng gồm: hải sản khô Hải Ninh, rau sạch Võ Ninh, mật ong Trường Xuân, gạo Vĩnh Tuy, thỏ Vạn Ninh, bún bánh Gia Ninh, khoai deo Hải Ninh, nấm linh chi Hiền Ninh, tinh bột sắn, tinh bột nghệ Long Giang Thịnh, dưa hấu Hàm Ninh… Điểm chung là các sản phẩm này đều đã được các địa phương sản xuất, chế biến và kinh doanh từ lâu, có truyền thống và ngày càng được thị trường biết đến rộng rãi. Đây chính là yếu tố quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn huyện Quảng Ninh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, tham gia Chương trình OCOP, nâng tầm giá trị”, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
                                                                                                                                            Thanh Hải
 
Bài 2: Nâng cao chất lượng chương trình OCOP