Nuôi trồng thủy sản ở xã Hải Phú: Cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn

  • 14:25 | Thứ Năm, 28/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nuôi tôm được xem là mô hình kỳ vọng đem lại thu nhập cao cho người dân xã Hải Phú, huyện Bố Trạch. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
 
Nhiều năm trước đây, Quảng Bình đã có chủ trương đa dạng hóa hình thức canh tác, đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản để phá thế độc canh cây lúa. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều vùng nuôi tôm được hình thành, đem lại những thành công nhất định cả về thu nhập và phát triển sản xuất.
 
Cũng từ năm 2002, Công ty sông Gianh đã xây dựng 120ha đất trồng lúa của người dân xã Phú Trạch thành một trung tâm nuôi tôm công nghiệp lớn nhất trong khu vực, được xem là đột phá trong nghề nuôi tôm vào thời điểm đó. Vì nhiều lý do khác nhau, năm 2012, công ty đã bàn giao lại hồ nuôi cho người dân địa phương, tuy nhiên, từ khi nhận hồ nuôi đến nay, nghề nuôi tôm vẫn chưa phát huy được hiệu quả kinh tế như mong muốn.
 
Anh Hoàng Văn Thoại, cán bộ địa chính xã cho biết: "Hiện toàn xã có 154 hồ nuôi với diện tích 6.400m2/hồ, trong đó 99 hồ bao xây và 55 hồ đất. Với nghề này, nếu thuận lợi sẽ giúp người nông dân kiếm tiền triệu mỗi năm. Bởi, nuôi tôm thời gian rất ngắn, trong vòng 3 tháng, tôm khỏe mạnh sẽ cho thu hoạch. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, nông dân nuôi lứa nào cũng gần như mất trắng lứa ấy. Nhiều hộ dân đã tháo nước, phơi khô, khử trùng bằng vôi nhưng vẫn không hiệu quả. Có hồ mà không nuôi thì lãng phí, mà nuôi thì thua lỗ, nhiều hộ dân chán ngán với nghề". 
Nhiều hồ nuôi gặp khó trong việc thoát nước nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.
Nhiều hồ nuôi gặp khó trong việc thoát nước nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.
Tìm hiểu từ những người nuôi tôm tại đây, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế thấp. Trước hết là hệ thống cấp và thoát nước cho hồ nuôi. Hiện khu vực nuôi tôm đã có hệ thống cấp nước, nhưng hệ thống thoát nước thì chưa. Đặc biệt hiện nay, sông Lý Hòa bị bồi lấp nghiêm trọng nên các đợt cao điểm nắng hạn, nguồn nước để đưa vào hồ không đủ. Bên cạnh đó, việc bồi lấp lòng sông làm lưu lượng dòng chảy giảm mạnh nên nguồn nước bị ô nhiễm, làm cho tôm chậm lớn, thậm chí bị bệnh hàng loạt.
 
Nguyên nhân tiếp nữa là thiếu nguồn điện. Việc nuôi tôm trong hồ phải sử dụng nguồn điện liên tục để chạy máy sục khí tạo oxy cho hồ nhưng hệ thống điện khu vực nuôi tôm chưa có. Một số hộ nuôi phải tự kéo điện từ nơi xa hoặc dùng máy nổ nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của tôm. Ngoài ra, nguồn giống không bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc nuôi trồng thủy sản khó kiểm soát được dịch bệnh. Được biết, những người nuôi thủy sản nơi đây luôn tự tìm nguồn giống, việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống trước khi mua về tại địa phương chưa bảo đảm.
 
Để hạn chế rủi ro, một số hộ đã thử nghiệm nuôi cua xen lẫn tôm, tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan khi tôm bị bệnh chết thì cua cũng chết theo vì ô nhiễm nguồn nước.
Ông Đỗ Văn Hậu, một trong những hộ nuôi tôm thôn Nam Sơn chia sẻ: "Chúng tôi không muốn bỏ nghề, bởi nếu quay lại trồng lúa như trước đây cũng khó bởi ruộng giờ đất đã bị nhiễm mặn. Chỉ mong sao các cấp, các ngành vào cuộc hỗ trợ bà con chúng tôi về hạ tầng, kỹ thuật và thị trường, chúng tôi sẽ quyết tâm bỏ vốn đầu tư khắc phục khó khăn để nghề nuôi tôm nơi đây phát huy được hiệu quả".
 
Vì đã trót đầu tư vào nghề nuôi tôm nên rất nhiều hộ dân nơi đây không nỡ bỏ nghề, họ vẫn mong muốn tìm ra giải pháp để duy trì nghề nuôi và chính quyền xã cũng đã vào cuộc.
 
Bà Phan Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết, xã đã có công văn lên cấp trên đề nghị nạo vét sông Lý Hòa để khơi thông dòng chảy, nạo vét và cải tạo hệ thống kênh mương để có chỗ thoát nước. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã liên hệ với công ty thủy sản có uy tín để cung cấp nguồn tôm giống bảo đảm chất lượng cho bà con, khuyến khích các hộ nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong quy trình chăn nuôi, trong đó có xử lý vệ sinh hồ nuôi và bảo đảm mật độ nuôi tối ưu. Ngoài ra, xã đang có kế hoạch mở các lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản cho bà con, sẽ khuyến khích bà con chuyển đổi vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
Mong mỏi của bà con nuôi tôm là chính đáng, hành động của chính quyền xã là có trách nhiệm, thế nhưng như vậy chưa đủ, việc trước mắt là khâu kỹ thuật nuôi trồng và nguồn giống thì có thể xử lý được; nhưng về lâu dài, việc xử lý nguồn nước và tăng lưu lượng dòng chảy của sông Lý Hòa, xây dựng hệ thống cung cấp điện ổn định và cải tạo lại hệ thống kênh mương đang nằm ngoài khả năng của người dân, chính quyền địa phương. Hy vọng rằng những khó khăn trên sẽ sớm được tháo gỡ để nghề nuôi tôm của Hải Phú trong tương lai sẽ được duy trì và phát triển.
Thanh Hoa