Người khuyết tật vươn lên làm kinh tế giỏi

  • 08:26 | Thứ Sáu, 22/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù khuyết tật, nhưng ông Đinh Văn Bính ở thôn Tân Đức 2, xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa) vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, gây dựng trang trại tổng hợp, phát triển kinh tế gia đình. 
 
Năm 1975, trở về quê sau chiến tranh, ông Đinh Văn Bính bắt đầu khai hoang đất đai để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Thật không may, biến cố đã xảy đến khi ông bị vướng bom trong khi cải tạo đất, mất tay trái và hỏng một bên mắt. Từ một người đàn ông là trụ cột gia đình nay ông trở thành gánh nặng của cả nhà. Mọi sinh hoạt đều phải có người thân hỗ trợ, thị lực thì giảm sút, sức khỏe cũng không thể đáp ứng những công việc nặng. 
   Mô hình trồng bưởi của ông Đinh Văn Bính mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng bưởi của ông Đinh Văn Bính mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Bính tâm sự: “Thời điểm đó, gia đình tôi vất vả trăm bề, nhà thì đông con, tôi thì không làm được gì, nhiều lúc nghĩ còn chẳng thiết sống. May mắn có gia đình, người thân luôn ở bên động viên, tôi mới có thể sống tiếp, có động lực để làm lại từ đầu”.
 
Năm 2005, ông trồng cây cao su, tuy nhiên, điều kiện khí hậu không mấy thuận lợi, mưa, bão khiến cây gãy đổ. Thời điểm ấy, giá mủ cao su không cao, ông thiệt hại không nhỏ. Năm 2010, ông từ bỏ cây cao su chuyển sang nuôi ong lấy mật, nuôi trâu bò quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hiệu quả từ mô hình này vẫn chưa cao, cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn, thiếu thốn. 
 
Không nản chí, năm 2015, khi có ý định rẽ hướng chuyển sang trồng giống cây bưởi Phúc Trạch, ông Bính được chính quyền xã ủng hộ, hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật. Ông đã mạnh dạn cải tạo đất vườn của gia đình để kết hợp nuôi ong, trâu, bò, hươu; trồng bưởi và đào ao thả cá. Đến nay, cơ ngơi trang trại tổng hợp với diện tích hơn 1ha đã có 80 gốc bưởi, trong đó có một số cây đã cho thu hoạch lứa thứ 2. Mô hình kinh tế này đem đến cho gia đình ông Bính nguồn thu nhập ổn định, trên 30 triệu đồng/tháng. 
 
Bà Nguyễn Thị Thoa, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết: “Ông Đinh Văn Bính là người khuyết tật làm kinh tế tiêu biểu của xã. Trước đây, ông đã trồng rất nhiều loại cây khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được sự định hướng của xã, ông Bính đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, phù hợp với mô hình vườn nhà, vườn đồi”. 
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bính còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, được bà con xóm làng yêu mến. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mặc cảm là người khuyết tật, ông Đinh Văn Bính ngày càng chứng tỏ bản thân “tàn nhưng không phế”, quyết tâm đổi đời, chiến thắng số phận.
 
Mỹ Hạnh