Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

  • 14:36 | Thứ Năm, 21/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, TP. Đồng Hới đã thực hiện các giải pháp nhằm thích ứng hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động của những hiện tượng thời tiết cực đoan, bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững.
 
Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn TP. Đồng Hới đã hoàn thành thu hoạch vụ lúa đông-xuân 2019-2020. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế TP. Đồng Hới, vụ đông-xuân năm nay, thành phố gieo cấy hơn 880ha lúa (giảm 2,5%, tương đương giảm 23ha so với vụ đông-xuân năm trước), năng suất bình quân đạt trên 57 tạ/ha. Mặc dù diện tích lúa giảm (do chuyển mục đích sử dụng để phục vụ xây dựng hạ tầng đô thị) nhưng tổng sản lượng vẫn đạt trên 5.000 tấn, bằng 99,7%.
 
Theo ông Đoàn Hồng Quân, Trưởng phòng Kinh tế TP. Đồng Hới, để có kết quả này, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã đặt ra mục tiêu nghiên cứu sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, có chất lượng, năng suất cao theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Vì vậy, từ năm 2018 đến nay, thành phố đã đưa một số giống lúa mới vào sản xuất, gồm: Thiên ưu 8, QS447, Lộc trời 1, VNR20, Đài thơm 8… 
 
Trên cơ sở hiệu quả từ các loại giống mới thử nghiệm, thành phố đã từng bước thay thế các loại giống cũ, đã thoái hóa, kém chất lượng bằng các loại giống mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng ruộng địa phương.
Nhiều giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu được TP. Đồng Hới đưa vào sản xuất có năng suất cao, sản lượng ổn định.
Nhiều giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu được TP. Đồng Hới đưa vào sản xuất có năng suất cao, sản lượng ổn định.
Riêng vụ đông-xuân 2019-2020, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP. Đồng Hới phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam thực hiện 2 mô hình khảo nghiệm giống lúa mới với 60 hộ dân tham gia. Giống VNR20 được thực hiện ở xã Đức Ninh với diện tích 1,5ha và giống Đài thơm 8 thực hiện ở xã Nghĩa Ninh trên diện tích 1,5ha. Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, hai giống lúa mới phù hợp với đồng đất ở địa phương; có khả năng chống chịu khá với một số loại sâu bệnh hại lúa chính, như: đạo ôn, khô vằn, bạc lá; hai giống lúa đều cho năng suất cao, đạt từ 65-75 tạ/ha…
 
Bên cạnh đó, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương, TP. Đồng Hới cũng đã chủ động ứng dụng các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông nghiệp ven đô, nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái…. Tiêu biểu, mô hình trồng sen trên vùng đất thấp trũng tại xã Nghĩa Ninh với diện tích 2ha kết hợp với du lịch sinh thái do Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP. Đồng Hới và Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ Đại Dương phối hợp thử nghiệm. Mô hình được thực hiện trên vùng đất lúa với giống sen hồng cao sản có nguồn gốc Đồng Tháp. Đây là loại sen chuyên cho hạt, năng suất khoảng 4 tấn hạt sen/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao…
 
Bước vào mùa khô năm nay, trước nguy cơ thiếu nước sản xuất, TP. Đồng Hới đã có công văn hướng dẫn bà con nông dân các các địa phương trên địa bàn về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo trồng các loại cây trồng vụ hè-thu 2020, nhất là việc áp dụng các biện pháp canh tác bảo đảm nguồn nước sản xuất, chống biến đổi khí hậu. Theo đó, các địa phương sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố chủ động kiểm tra an toàn hồ đập, nguồn nước tại các hồ chứa, nạo vét kênh mương nội đồng, các đường dẫn nước, khơi thông cống rãnh để bảo đảm việc cung cấp nước tưới vào tận ruộng. Cùng với đó, bà con nông dân thực hiện lúa gặt đến đâu, tranh thủ cày ải đất, chuẩn bị giống, phân bón… để bước vào vụ sản xuất hè-thu vào giữa tháng 5-2020.
 
Đặc biệt, ông Từ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Đồng Hới cho biết, bà con nên chọn những giống ngắn ngày, cực ngắn ngày (từ 80-85 ngày) và chú ý đến các biện pháp canh tác lúachống biến đổi khí hậu kết hợp với phương pháp tưới nước “ướt khô xen kẽ”.
 
Đây là kỹ thuật tưới lúa không chỉ tiết kiệm được nước tưới mà còn giúp cho bộ rễ của cây lúa ăn sâu vào tầng canh tác huy động được nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây ít đổ ngã, ít nhiễm bệnh, năng suất cao hơn cách tưới ngập nước thường xuyên như trước đây...
Thùy Lâm