Cơ hội nào cho ngành thủy sản sau dịch bệnh Covid-19?

  • 08:20 | Thứ Hai, 18/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 khiến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động mua bán thủy hải sản cũng bắt đầu trở lại, nhưng thách thức vẫn còn đó...
 
Quảng Bình hiện có trên 5.000 tàu đánh bắt hải sản các loại cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh, chế biến thủy hải sản, trong đó có 55 công ty, doanh nghiệp, HTX do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản quản lý. Các cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản tập trung nhiều ở huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và thành phố Đồng Hới. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản toàn tỉnh ước thực hiện trên 25.000 tấn.
 
Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương có nghề đánh bắt, kinh doanh, chế biến thủy hải sản lớn của tỉnh. Hiện xã có gần 400 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ tham gia đánh bắt, trên 50 công ty, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản.
 
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy hải sản đánh bắt được khoảng 3.000 tấn, thu hút được khoảng 65% lao động địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá các loại thủy hải sản giảm mạnh, khiến ngư dân và các cơ sở chế biến gặp nhiều khó khăn.
 
Ông Phạm Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh chia sẻ: “Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên giá thủy hải sản trên địa bàn giảm khoảng 50%, nhiều tàu cá lỗ vốn khi ra khơi đánh bắt. Trong khi đó, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy hải sản lại hoạt động cầm chừng vì thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng”.
 
Theo ông Trung, hiện khó khăn nhất vẫn là các doanh nghiệp. Bởi do dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách tiêu thụ giảm mạnh, đầu ra sản phẩm bị ứ đọng. 
HTX Long Tám phải cấp đông 2 tấn hàng vì chưa bán được do dịch bệnh Covid-19.
HTX Long Tám phải cấp đông 2 tấn hàng vì chưa bán được do dịch bệnh Covid-19.
Bà Đào Thị Tám, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp chế biến thủy sản Long Tám, ở thôn Đông Dương, xã Bảo Ninh cho biết: “Trước đây, hàng hóa sản xuất ra đều tiêu thụ hết, nhưng nay do dịch bệnh nên tôi phải cấp đông gần 2 tấn hàng và trả tiền điện, tiền lãi ngân hàng vài chục triệu đồng mỗi tháng”.
 
HTX Long Tám chuyên chế biến nước mắm, cá, mực, tôm khô. Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 300 tấn thủy hải sản các loại, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, HTX buộc phải đóng cửa gần một tháng nên một số công nhân phải nghỉ việc. Đến nay, HTX đã hoạt động lại nhưng vẫn cầm chừng vì hàng hóa sản xuất ra chưa tiêu thu được nhiều.
 
Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn huyện Bố Trạch đạt hơn 6.100 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh thủy hải sản của các cơ sở chế biến gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tại xã Thanh Trạch có 30 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 8 cơ sở chuyên chế biến xuất khẩu vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…
 
Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết: “Toàn xã có 50 tàu đánh bắt thủy hải sản lớn nhỏ. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bà con vẫn vươn khơi đánh bắt. Tuy nhiên, giá bán chỉ được khoảng 50% so với thời gian trước. Các công ty, doanh nghiệp, HTX thu mua chế biến thủy hải sản trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị chuyên chế biến xuất khẩu”.
 
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Đức Hạnh, kiêm Phó Giám đốc HTX thủy sản Thanh Trạch 1 cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Công ty, HTX đã  thu mua trên 200 tấn cá, 1.000 tấn sứa để chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hàng trăm tấn hàng của Công ty, HTX tồn kho chưa xuất được, trong khi đó, một số công nhân buộc phải nghỉ việc hoặc giảm lương. Hiện còn hàng trăm tấn hàng đã chế biến nhưng chưa thể xuất khẩu được. Vì vậy, tôi phải tạm ngừng thu mua nguyên liệu và cho cấp đông các sản phẩm. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng”. Để giải quyết khó khăn trước mắt, bà Hòa buộc phải bán lẻ cá, sứa ra thị trường nội địa mỗi tháng được khoảng 4-7 tấn các loại.
Nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thủy sản gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Trước khó khăn của ngư dân và doanh nghiệp, huyện Bố Trạch động viên bà con tiếp tục ra khơi bám biển sản xuất; đồng thời, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến các mặt hàng thủy hải sản tiếp tục hoạt động, góp phần khôi phục phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19.   

Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Bình cho biết: “Ngân hàng nhà nước đang chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn phải giảm lãi suất từ 0,5 đến 2%/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh Covid-19. Riêng các doanh nghiệp muốn vay mới sẽ giảm lãi suất từ 1 đến 2%/năm”.
 
Theo ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các đơn vị xuất khẩu thủy hải sản của tỉnh chủ yếu xuất hàng sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ năm 2019, đặc biệt là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc thắt chặt mọi con đường tiểu ngạch nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc này, Chi cục sẽ tập huấn cho các công ty, doanh nghiệp, HTX những kiến thức cơ bản để có thể xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường nhiều nước bằng con đường chính ngạch…
                                                                                                   Xuân Vương