Lúa "nước hai" và hành trình hồi sinh

  • 08:47 | Chủ Nhật, 19/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, nhưng Bố Trạch vẫn được thiên nhiên “ưu ái” một sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao từ cây lúa-gạo “nước hai”. Đây là giống lúa bản địa, được phục hồi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của nhiều vùng đất ở Bố Trạch và bà con nông dân đang mong muốn mở rộng sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho giống lúa đặc sản này.
 
Nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa bản địa, những năm qua, huyện Bố Trạch đã bước đầu xây dựng sản xuất chuỗi sản phẩm gạo “nước hai" để bán ra thị trường. Gạo “nước hai” cũng đã dần làm quen với người tiêu dùng thông qua các hội chợ thương mại hay triển lãm thành tựu về kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì giá trị dinh dưỡng và chất lượng khá đặc biệt của loại gạo này mà không ít bệnh viện ở các thành phố lớn đã tìm đến tận nơi để đặt hàng sản xuất.
 
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, cho biết, sản phẩm gạo “nước hai” là 1 trong 14 sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị được huyện Bố Trạch xây dựng tại các xã: Hải Phú, Vạn Trạch, Hoàn Trạch với diện tích gần 30ha. Đây là những địa phương vẫn còn giữ được giống lúa bản địa này.
 
So với các giống lúa thông thường, lúa “nước hai” sinh trưởng tốt trong vùng đất và nước mặn lợ, khả năng kháng sâu bệnh gần như tuyệt đối, chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch của lúa “nước hai” dài ngày hơn các giống lúa khác, từ 150 đến 160 ngày và năng suất đạt thấp, chỉ khoảng 23-25 tạ/ha. Nhưng bù lại, gạo “nước hai” có giá bán ra gấp 3,5 lần gạo thông thường và hiện nay rất được thị trường ưa chuộng với nguồn “cung” không đủ “cầu”.
Thu hoạch lúa “nước hai” ở xã Hải Phú vụ đông-xuân 2018-2019.
Thu hoạch lúa “nước hai” ở xã Hải Phú vụ đông-xuân 2018-2019.
Từ xa xưa, người dân các địa phương ở huyện Bố Trạch gắn bó với giống lúa “nước hai” như một giống lúa không thể thiếu trong đời sống sản xuất lúa nước. Sau này, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhiều giống lúa mới cải tiến được đưa vào sản xuất, tính ưu việt cao, như: ngắn ngày, cho năng suất cao, chất lượng cơm dẻo, thơm, ngon, lại gieo trực tiếp dễ dàng thâm canh... Vì vậy, người dân đều ứng dụng giống mới khiến giống bản địa bị mai một dần.
 
Sản phẩm gạo “nước hai” có giá trị được khoa học và thực tế chứng minh. Chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của gạo “nước hai” cao hơn hẳn so với các loại gạo thông thường; đặc biệt là hàm lượng đường trong gạo thấp nên rất tốt cho sức khỏe, nhất là sử dụng cho người bị các bệnh liên quan đến lượng đường trong cơ thể cao. Các sản phẩm chế biến từ gạo “nước hai” cũng phong phú, như: sữa gạo, bánh gạo...
 
Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho biết thêm: “Chính vì sự khác biệt của gạo “nước hai” so với các loại gạo thông thường khác nên thời gian qua, đã có một số  bệnh viện ở các thành phố lớn đặt vấn đề với xã để bao tiêu đầu ra sản phẩm lâu dài; trong đó, có Khoa Dinh dưỡng, Khoa Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhưng hiện tại, xã vẫn chưa thể cam kết ký hợp đồng cung ứng cho đối tác vì vẫn chưa chủ động sản xuất với số lượng theo yêu cầu”.
 
Tuy sản xuất với diện tích còn hạn chế, nhưng Vạn Trạch là địa phương được nhiều người biết đến với thương hiệu gạo “nước hai”. Hiện, xã Vạn Trạch đang sản xuất thí điểm ở 1 hộ gia đình với diện tích 1ha lúa "nước hai" để làm giống theo hướng hữu cơ: không phân bón, không thuốc trừ sâu bệnh... và 1ha gieo cấy rải rác, thu hoạch chậm hơn so với các giống lúa khác trên địa bàn.
 
Dự kiến, trong vụ đông-xuân 2020-2021, Vạn Trạch sẽ đưa vào sản xuất khoảng 10ha lúa “nước hai”; tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất lúa “nước hai” theo chuỗi giá trị trên địa bàn xã và xây dựng sản phẩm OCOP “mỗi xã một sản phẩm”.
 
“Với cách làm “chậm mà chắc”, chúng tôi có thể kiểm soát, theo dõi, chăm sóc được quá trình sinh trưởng và bảo đảm giống lúa bản địa được phục hồi và phát triển một cách toàn vẹn về chất và lượng”, ông Nguyễn Hải Lương chia sẻ thêm.
 
Tại xã Hải Phú, giống lúa “nước hai” vừa được người dân khôi phục từ năm 2018. Vụ đông-xuân 2019-2020, trên địa bàn xã có 16 hộ tham gia sản xuất với diện tích 2ha. Nhờ thời tiết năm nay thuận lợi nên hiện lúa “nước hai” sinh trưởng và phát triển tốt hơn năm ngoái; sản lượng ước tính 40 tạ/ha; giá bán 2,5 triệu đồng/tạ.
 
“Hiện nay, bà con nông dân Hải Phú muốn mở rộng diện tích giống lúa bản địa có giá trị này và xã đã đề xuất với huyện về việc tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm”, bà Phan Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho hay.
 Sản phẩm gạo “nước hai” đang được huyện Bố Trạch tích cực đẩy mạnh truyền thông quảng bá.
Sản phẩm gạo “nước hai” đang được huyện Bố Trạch tích cực đẩy mạnh truyền thông quảng bá.
“Vấn đề đặt ra là, Bố Trạch hiện có đủ các điều kiện để mở rộng sản xuất giống lúa có giá trị này, tuy nhiên, cần tính đến đầu ra. Nếu như bán nhỏ lẻ, giá của gạo “nước hai” cao gấp 3,5 lần so với các loại gạo thông thường khác. Nhưng nếu đưa vào sản xuất theo chuỗi liên kết, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhập số lượng lớn thì phải hạ mức giá xuống. Bởi theo các nhà sản xuất sản phẩm tinh chế từ nguyên liệu gạo "nước hai", còn cần phải đầu tư máy móc, thiết bị và các chi phí về nhân công, nhà xưởng... Vậy nên đang có khá nhiều ý kiến. Không ít người chỉ thấy cái được trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài. Nhiều ý kiến giữa bên “cung” và “cầu” chưa thống nhất, nên huyện còn đang phân vân việc có hay không mở rộng hơn nữa diện tích sản xuất lúa “nước hai” đối với các địa phương”, ông Nguyễn Trọng Tuyển trăn trở.
 
“Trước mắt, các địa phương có giống lúa “nước hai” bản địa cần tiếp tục tiến hành nhân giống lúa để mở rộng diện tích sản xuất trong các mùa vụ tiếp theo, đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa phải trên địa bàn tỉnh và số ít người tiêu dùng. Về lâu dài, huyện sẽ tính toán và tìm nguồn ra ổn định, trong đó, thỏa thuận được giá cả giữa doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với người sản xuất. Được như vậy, Bố Trạch sẽ mở rộng diện tích phát triển sản xuất, để đặc sản riêng có của vùng quê Bố Trạch vươn xa ra các thị trường lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trao đổi thêm.
                                                                                          Hương Trà