Kỳ vọng OCOP

  • 18:00 | Chủ Nhật, 05/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù mới được triển khai nhưng chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ở Quảng Bình bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Chương trình đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống.
 
Triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ban xây dựng kế hoạch, bổ sung vào các nghị quyết, chương trình hành động. Các chủ thể có sản phẩm được lựa chọn tham gia tập huấn về tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hạch toán kinh doanh.
 
Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Chương trình OCOP đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình đã được các địa phương quan tâm thực hiện, sản phẩm tham gia không ngừng được hoàn thiện cả chất lượng và mẫu mã”.
 
Để xây dựng sản phẩm OCOP, những năm qua, huyện Bố Trạch luôn chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giúp cho khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, huyện phát nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, như: nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, dầu lạc Phong Nha, cao cà gai leo Thanh Bình, hồ tiêu Phú Quý, cam Nông trường Việt Trung, tinh dầu tràm, sả ở Hồ Bàu Bàng… 
 
 Sản phẩm tinh dầu tràm, dầu sả Hồ Bàu Bàng của anh Lê Viết Tùng.
Sản phẩm tinh dầu tràm, dầu sả Hồ Bàu Bàng của anh Lê Viết Tùng.
Sau quá trình nghiên cứu và học tập, năm 2016, anh Lê Viết Tùng, thôn 6, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch đầu tư hàng chục triệu đồng làm lò chưng cất tinh dầu tràm, sả. Để cho ra đời những lọ tinh dầu thảo dược, anh đã tận dụng diện tích đất trong vườn 6 ha để trồng tràm và sả nguyên liệu.
 
Mỗi năm, gia đình anh chưng cất được 6 đợt dầu sả, 5 đợt dầu tràm, cho ra đời hàng nghìn lọ dầu. Sản phẩm mang thương hiệu tinh dầu sả và tinh dầu tràm nguyên chất Hồ Bàu Bàng đã được nhiều người dân và khách du lịch đến tận nhà thu mua. Mỗi chai dầu tràm, dầu sả có giá bán 200 nghìn đồng, mỗi năm cho gia đình anh Tùng thu lãi trên 200 triệu đồng. Hiện sản phẩm tinh dầu tràm, dầu sả Hồ Bàu Bàng của anh Tùng được chọn là sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020, có khả năng đạt 3 sao.
 
Anh Lê Viết Tùng cho biết: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tôi đã thuê thêm 10ha đất để trồng tràm, sả nguyên liệu, đầu tư lò chưng cất dầu tràm 100 triệu đồng, đăng ký nhãn hiệu để tham gia chương trình OCOP năm nay”.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã lựa chọn, hỗ trợ 15 sản phẩm hoàn thiện nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và 8 sản phẩm được lựa chọn để xây dựng, hoàn hiện đáp ứng tham gia đánh giá phân hạng OCOP trong năm 2019. UBND huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm OCOP”…
 
Đến nay, toàn huyện đã có 37 phiếu đăng ký sản phẩm, trong đó có 2 phiếu đăng ký sản phẩm mới, 35 phiếu đăng ký sản phẩm đã có từ trước. 
Chị Mai Thị Vân tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ Vân Di tại các hội chợ thương mại
Chị Mai Thị Vân tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ Vân Di tại các hội chợ thương mại
Trước đây, nhiều người làm bột nghệ truyền thống bán ra thị trường nên hiệu quả thấp, khó cạnh tranh với các mặt hàng khác cùng chủng loại. Để tinh bột nghệ có chất lượng cao, tiếp cận thị trường, tạo sản phẩm OCOP, chị Mai Thị Vân, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, đăng ký thương hiệu “Tinh bột nghệ đỏ Vân Di” và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy phép kinh doanh.
 
Hiện, trung bình mỗi năm, cơ sở của chị sử dụng khoảng 70 tấn nghệ tươi và cho ra lò từ 4 đến 5 tấn tinh bột nghệ khô, nghệ đen. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm gần 300 triệu đồng. Hiện Hợp tác xã (HTX) nông sản Vân Di do chị Vân làm chủ nhiệm đã tạo việc làm cho 8 lao động, lương mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng/người, tiêu thụ nghệ nguyên liệu cho hàng chục hộ trên địa bàn.
 
Chị Vân tâm sự: “Sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng chủ yếu ở Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội và một số cơ sở trong tỉnh. HTX cũng đang cải tiến một số công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã, từ đó mở rộng thị trường và tham gia chương trình OCOP trong năm nay”. Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Vân Di đã đạt 2 sao và đang phấn đấu để nâng tầm lên 3 sao trong năm 2020.
 
Đến nay, Quảng Bình đã triển khai thực hiện theo chu trình OCOP với 77 ý tưởng sản phẩm đã được đăng ký. Trong đó, có 28 ý tưởng sản phẩm được đưa vào triển khai chu trình OCOP và hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đánh giá, phân hạng. Kết quả có 24 sản phẩm cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên, có 3 sản phẩm đạt từ 1-2 sao, có khả năng phát triển lên hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP chủ yếu là nhóm thực phẩm, thảo dược, đồ uống, hàng lưu niệm…
 
Để các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, tỉnh đã quan tâm đến hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, như: tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới; hội chợ sản phẩm OCOP tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hòa Bình; giới thiệu để sản phẩm OCOP vào các siêu thị, đại lý và chợ truyền thống...
 
Với mục tiêu tạo đột phá trong giai đoạn tiếp theo của chương trình OCOP, tỉnh xác định phải tích cực khơi dậy sáng tạo của mỗi tổ chức, người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương tham gia OCOP. Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, xã đồng bộ, hiện đại và bài bản; có chính sách cụ thể hỗ trợ sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về cảnh quan, văn hóa và tính cộng đồng của từng địa phương…
 
Xuân Vương