Khi thanh niên xuất ngũ khởi nghiệp

  • 08:06 | Chủ Nhật, 05/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quân đội là môi trường rèn luyện tốt, giúp thanh niên trưởng thành, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Những năm qua, đã có nhiều quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tiếp tục phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ, tích cực, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp công sức xây dựng quê hương.
 
Vốn là chiến sỹ Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4, năm 2008, anh Hoàng Trung Thành hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương ở tổ dân phố 1, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới. Với bản lĩnh và những đức tính được rèn luyện trong quân đội, anh Hoàng Trung Thành đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình sản xuất ghế đá.
 
Trước khi tự mình mở xưởng, anh đã đi làm cho các cơ sở sản xuất ghế đá ở TP. Hội An, TP. Đồng Hới để tích lũy kinh nghiệm. Sau 2 năm lăn lộn với nghề, khi đã có tay nghề vững, anh Thành quyết tâm khởi nghiệp. Đây là hướng khởi nghiệp phù hợp với sở trường cũng như nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng ghế đá.
 
Từ các mẫu đơn giản, anh Hoàng Trung Thành đã dày công tìm hiểu, cho ra đời những sản phẩm, như: ghế đá mài granito, ghế đá giả gỗ, ghế đá hoa cương. Với cát, đá, xi măng, sắt thép, qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề, những bộ ghế đá ra đời đã đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Tuy "sinh sau đẻ muộn" so với nhiều cơ sở chế tác đá trong vùng, nhưng sản phẩm của anh khá phong phú và đa dạng, có chỗ đứng trên thị trường, được các nhà trường, cơ quan và hộ gia đình đặt hàng thường xuyên. 
Mô hình sản xuất ghế đá mang lại thu nhập ổn định cho anh Hoàng Trung Thành sau khi xuất ngũ.
Mô hình sản xuất ghế đá mang lại thu nhập ổn định cho anh Hoàng Trung Thành sau khi xuất ngũ.
Anh Hoàng Trung Thành cho biết: “Ban đầu, tôi mở xưởng sản xuất ghế đá không có vốn nên rất khó khăn. Nhưng sau khi nhận được nguồn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội tôi đã tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều mẫu hàng bắt mắt, nhờ đó, đã thu hút được khách hàng. Công việc “chạy đều”nên thu nhập ổn định hơn!”.     
    
Mỗi bộ bàn ghế có giá bán dao động từ 1,7 đến 2,3 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, anh Hoàng Trung Thành có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở của anh còn tạo việc làm cho 3 thanh niên trên địa bàn với mức lương từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng. Nói về dự định, anh Thành cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là các đoàn viên trong tổ dân phố”.
 
Cũng với cát, đá, xi măng, sắt thép, nhưng anh Dương Văn Hào ở thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch lại chọn cho mình một hướng đi khác, đó là thực hiện mô hình đúc ống bi phục vụ cho các công trình xây dựng. Nhập ngũ từ năm 2008, anh được biên chế vào Lữ đoàn 44, Quân khu 4. Năm 2010, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh đã vào miền Nam làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Anh Dương Văn Hào cho biết, 6 năm xa quê, thử sức với nhiều nghề, anh nhận thấy cuộc sống xa nhà gặp nhiều khó khăn, kinh tế không ổn định nên đã trở về quê tìm hướng khởi nghiệp với nghề đúc ống bi.
 
Đúc ống bi là nghề khá nặng nhọc nhưng những năm tháng trong quân ngũ đã rèn luyện cho anh Dương Văn Hào nghị lực, ý chí không ngại khó, ngại khổ trước bất cứ việc gì. Bởi vậy, trong giai đoạn khó khăn của buổi đầu làm nghề, anh đã vượt qua để vươn lên. Từ một cơ sở đúc ống bi nhỏ lẻ, hàng làm ra không tìm được nơi tiêu thụ, đến nay, nhờ sự liên kết với các công ty xây dựng, sản phẩm của anh đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/tháng. Không chỉ tạo nguồn thu cho gia đình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
 
Trong số những thanh niên xuất ngũ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, có lẽ, Phạm Minh Khôi là người đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhất và cũng là một trong những người thành công nhất. Nhập ngũ năm 2004, Phạm Minh Khôi được biên chế về bộ đội Biên phòng Quảng Trị. Trong 2 năm quân ngũ, ngoài những giờ đổ mồ hôi trên thao trường, anh đã dành thời gian để chăm sóc đàn vật nuôi, vườn cây ăn quả trong hoạt động tăng gia sản xuất của đơn vị, nhờ đó, anh có cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và tích lũy kinh nghiệm cho mình. Năm 2006, xuất ngũ trở về địa phương, để thực hiện ý định của mình về việc thành lập trang trại, anh đã ngược xuôi nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau.
 Nhờ mô hình trang trại tổng hợp, anh Phạm Minh Khôi thu về lợi nhuận 250 triệu đồng/năm.
Nhờ mô hình trang trại tổng hợp, anh Phạm Minh Khôi thu về lợi nhuận 250 triệu đồng/năm.
Sau 9 năm vất vả mưu sinh, năm 2015, khi đã tích lũy được một số vốn cộng với 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ủy thác do tổ chức Đoàn quản lý, anh Khôi thành lập trang trại tổng hợp. Để khai thác lợi thế từ 5,5ha đất, anh Khôi tiến hành trồng 4ha rừng kinh tế. Sau 5 năm chăm sóc, đến nay, một số diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch.
 
Cùng với việc trồng rừng, anh đã dùng 1,5ha đất để nuôi gà bản địa, ngan, lợn rừng lai và dê. Tất cả các vật nuôi được thực hiện theo hình thức thả vườn, vì vậy, đàn vật nuôi luôn phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng thịt cao, được thị trường là các nhà hàng, khách sạn khu vực thị trấn Phong Nha ưa chuộng. Sau 5 năm khởi nghiệp, đến nay, trang trại của anh luôn duy trì đàn gà, ngan khoảng 500 con, đàn lợn 100 con và đàn dê 50 con.
 
Nhờ việc nắm vững những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cùng với bản tính chăm chỉ và sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, mỗi năm, mô hình trang trại của anh cho thu nhập trên 400 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng. Thu nhập khá cao, nhưng anh Phạm Minh Khôi chưa dừng lại, anh vẫn ấp ủ nhiều dự định để khai thác triệt để quỹ đất cũng như nhu cầu về nguồn thực phẩm chất lượng cao của thị trấn du lịch Phong Nha. Anh Khôi cho biết: “Tôi sẽ phát triển thêm dê, heo bản, mở rộng thêm mô hình trồng cây ăn quả và nuôi lươn không bùn”.
 
Mỗi năm, cả tỉnh có khoảng 1.000 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, như vậy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Quảng Bình có một lực lượng lớn lao động trẻ. Nếu làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo, giới thiệu, bố trí việc làm thì không những giúp bộ đội xuất ngũ có việc làm ổn định mà còn cung cấp cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp một lực lượng lao động có tinh thần trách nhiệm, kỷ luật và nhiệt huyết. 
 
Anh Nguyễn Văn Sáu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhấn mạnh, hàng năm, các cấp bộ đoàn trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan quân sự cùng cấp tổ chức tốt các hoạt động truyền thông tuyên truyền về chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tới đối tượng này thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, như: đón bộ đội xuất ngũ, ngày hội việc làm...
 
Cùng với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo đoàn cơ sở phát triển và duy trì hoạt động của các điểm tư vấn và giới thiệu việc làm; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội địa phương hỗ trợ nguồn vốn cho bộ đội xuất ngũ; đồng thời, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức về khởi nghiệp; động viên, khuyến khích và hỗ trợ quân nhân xuất ngũ mạnh dạn lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo.
 
Lệ Quyên