Giấc mơ "gạo không hóa chất"

  • 10:35 | Chủ Nhật, 12/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau hành trình dài với nhiều băn khoăn, trăn trở trên con đường lập nghiệp, năm 2016, anh nông dân Nguyễn Thanh Hương (sinh năm 1972, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn) quyết định trở về với cánh đồng quê hương. Chỉ sau 4 năm, anh đã có một cơ ngơi đáng nể với 11ha lúa và sản phẩm gạo an toàn, được thị trường đón nhận. Không dừng lại ở đó, anh đang ấp ủ giấc mơ “gạo không hóa chất” nhằm đưa thương hiệu gạo Quảng Hòa vươn xa!
 
Thủy chung với ruộng đồng
 
Xuất thân trong một gia đình nông dân với nhiều khó khăn khi đời sống gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1993, anh Hương trở về quê và lập gia đình. Cuộc sống gia đình nhỏ của anh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hai vợ chồng chỉ được chia 2 sào ruộng. Dù đã chăm chỉ, cần cù “một nắng hai sương”, anh chị cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày.
Anh Nguyễn Thanh Hương (bên phải) đang chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã về kế hoạch sản xuất gạo hữu cơ.
Anh Nguyễn Thanh Hương (bên phải) đang chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã về kế hoạch sản xuất gạo hữu cơ.
Là người không cam chịu đói nghèo, anh Hương đã thử nhiều nghề khác ngoài làm ruộng, như: thợ xây, dịch vụ sửa chữa xe, dịch vụ vận tải hàng hóa… Trong quãng thời gian gần 20 năm, có những thời điểm gia đình anh khấm khá, cũng có thời điểm khó khăn, chật vật. Sau nhiều đêm suy nghĩ tìm hướng đi, năm 2016, khi xã Quảng Hòa đẩy mạnh hoạt động tiến hành “dồn điền đổi thửa”, anh Hương đã bàn bạc với vợ và quyết định quay trở về với nghề truyền thống.
 
Thời điểm đó, tại xã Quảng Hòa nhiều người dân bỏ ruộng vì trồng lúa không hiệu quả. Bên cạnh đó, một số diện tích bị nước mặn xâm nhập trong các đợt thiên tai nên diện tích ruộng bị bỏ hoang khá lớn. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, hai vợ chồng anh đã cải tạo 5ha đất ruộng ngập mặn để trồng lúa. Ròng rã mấy tháng trời, họ thuê máy xúc để xúc đất ngập mặn và thay đất mới với số kinh phí không nhỏ. Tiếp đó, anh đấu thầu thêm 5ha, thuê 1ha để có cánh đồng rộng 11ha.
 
Từng bước khẳng định thương hiệu
 
Xác định hướng đi bền vững là sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, anh Hương đã đầu tư mô hình sản xuất gạo an toàn. Sự nỗ lực và ý tưởng của anh đã thành hiện thực khi cánh đồng 11ha được trồng các loại giống lúa chất lượng cao, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật để cho sản phẩm gạo an toàn. Ngay từ vụ mùa đầu tiên, sản phẩm đã được thị trường đón nhận, tạo ra niềm hy vọng cho gia đình anh.
 
Đặc biệt, năm 2019, để “chắp cánh” cho sản phẩm của mình, anh Nguyễn Thanh Hương đã hoàn thiện các thủ tục để thành lập Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa. Nhận thấy hướng đi đúng đắn và tiềm năng sản xuất, cung ứng lúa gạo của anh Hương, năm 2019, Phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn đã trực tiếp hướng dẫn các thủ tục thành lập hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm lúa gạo; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhãn mác, bao bì sản phẩm… với tổng số tiền 320 triệu đồng. 
Sản phẩm gạo sạch Quảng Hòa
Sản phẩm gạo sạch Quảng Hòa
Sự đồng hành, hỗ trợ của Phòng Kinh tế cộng với sự nỗ lực, dám nghĩ dám làm của anh Nguyễn Thanh Hương đã góp phần đưa thương hiệu gạo Quảng Hòa không chỉ đứng vững trên địa bàn thị xã và trong tỉnh mà được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành phố lân cận đón nhận. Từ nguồn hỗ trợ này, anh Hương đã có điều kiện đầu tư chuỗi giá trị sản phẩm khép kín từ khâu gieo trồng, canh tác, sơ chế, bao bì, nhãn hiệu sản phẩm đến thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm gạo an toàn được sản xuất theo quy trình canh tác lúa cải tiến (SRI) của anh Hương khá đa dạng với mức giá từ 11.000 đến 14.000 đồng/kg và đạt ưu thế so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường.
 
Không chỉ sản xuất gạo an toàn, với tinh thần học hỏi và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đầu tư tất cả các khâu, anh Hương còn tận dụng rơm rạ, trấu làm củi đốt, làm chế phẩm sinh học để quay trở lại bón ruộng. Một số diện tích lúa được anh triển khai mô hình lúa-cá. Các giống cá gồm: lóc, diếc, gáy, rô…, là nguồn cá giống tự nhiên anh mua lại của bà con trong vùng. Lượng cá thu được đủ cung cấp cho bà con và nhân công những giai đoạn cao điểm mùa vụ.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi là cánh đồng mênh mông rộng 11ha lúa đang thì con gái, anh Hương không giấu được niềm tự hào. Đi qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, đến nay, mô hình sản xuất gạo an toàn của anh đã khẳng định được hiệu quả và tính bền vững. Bình quân mỗi năm doanh thu đạt 500 đến 600 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Có thể mức lợi nhuận này vẫn còn khiêm tốn, nhưng việc biến 5ha đất hoang thành đồng lúa xanh tốt, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động vào cao điểm thời vụ với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng… là điều vô cùng ý nghĩa mà anh nông dân Nguyễn Thanh Hương đã làm được. Và quan trọng hơn, sản phẩm lúa gạo Quảng Bình đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, mở ra những hy vọng mới.
 
Giấc mơ “gạo không hóa chất”
 
Từ những hiệu quả tích cực ban đầu, anh Nguyễn Thanh Hương đang ấp ủ kế hoạch sản xuất gạo hữu cơ. Được biết, vụ hè-thu năm nay, anh Hương sẽ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm để triển khai sản xuất gạo hữu cơ với diện tích 5ha. Đây là giấc mơ anh Hương đã ấp ủ ngay từ khi quay về gắn bó với ruộng đồng. “Tập đoàn Quê Lâm sẽ hướng dẫn quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Cho dù khó thì tôi vẫn quyết tâm làm vì đây là con đường đưa nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng phát triển bền vững!”.
Cơ sở xay xát, đóng gói sản phẩm, một mắt xích trong chuỗi giá trị gạo Quảng Hòa
Cơ sở xay xát, đóng gói sản phẩm, một mắt xích trong chuỗi giá trị gạo Quảng Hòa
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, trước những hiệu quả của mô hình sản xuất gạo an toàn của anh Nguyễn Thanh Hương nói riêng, hướng đi đúng của Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa nói chung, dự kiến năm 2020, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ khoảng 130 triệu đồng để hoàn thiện chuỗi giá trị gạo sạch. Anh Hương là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Bên cạnh việc sản xuất ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, thành công lớn hơn nữa là sự khẳng định hiệu quả trong việc tích tụ ruộng đất. Đây chính là một trong những mục tiêu hướng đến của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới.
 
Từ những thành quả ban đầu, với kinh nghiệm và quyết tâm của anh Nguyễn Thanh Hương, giấc mơ “gạo không hóa chất” đang dần trở thành hiện thực, góp phần đưa thương hiệu gạo Quảng Hòa vươn xa.
Ngọc Mai