Chuyện quản lý:

Quảng bá cho... hợp tác xã!

  • 17:49 | Thứ Bảy, 04/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến nông sản ở huyện nọ được thành lập cách đây hơn 10 năm và từng tạo dấu ấn bởi một đặc sản thơm ngon, có nhãn hiệu, xây dựng thành công thương hiệu. Sản phẩm của HTX chiếm thị phần lớn nhất tỉnh đối với mặt hàng đặc sản này và rất hấp dẫn khách du lịch.
 
Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm, HTX chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhất là từ các sản phẩm cùng loại nên gặp nhiều khó khăn hơn. Trên thực tế, trong khi các đối thủ mạnh dạn thay đổi mẫu mã bao bì, đặc biệt, chú trọng khâu truyền thông, thử sức với các kênh bán hàng phi truyền thống, như: mạng xã hội, các trang web bán hàng trực tuyến..., thì HTX này vẫn “dẫm chân tại chỗ”.
 
Hầu như một thời gian dài, HTX không truyền thông, quảng bá mà chỉ “hữu xạ tự nhiên hương”, mẫu mã sản phẩm cũng ít đổi mới, không bắt kịp xu hướng thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng. Và tất yếu, sản phẩm ngày càng bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, ít được khách hàng biết đến, nhất là khách du lịch, giới trẻ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sản phẩm của HTX càng gian nan hơn trong tiếp cận người tiêu dùng.
 
2. Khác với các HTX “truyền thống” ngại thay đổi trong truyền thông, quảng bá sản phẩm, nhiều HTX chuyên về nông sản sạch mới thành lập sau này lại tích cực đổi mới cách thức giới thiệu sản phẩm và thậm chí ngay từ giai đoạn đầu, đã mạnh dạn hướng tới đối tượng là các bà nội trợ công sở bận rộn. Nhờ vậy, khâu truyền thông quảng bá của các HTX này rất đa dạng về hình thức, từ qua mạng xã hội đến các trang bán hàng trực tuyến; cách thức bán hàng online, giao hàng tận tay cũng rất phát huy hiệu quả.
 
Đặc biệt, không chỉ bán nông sản thô, nhiều HTX còn chế biến sẵn các mặt hàng, mạnh dạn gợi ý món ăn ngon... Tiêu chí hàng đầu vẫn là tươi-ngon-bổ-rẻ và “hàng nhà làm”, bảo đảm không hóa chất, độc hại...
 
Những người quản lý cũng rất chú trọng khâu phản hồi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của khách hàng, qua đó, đánh giá kiểm soát chất lượng nông sản của mình cũng như cách thức phục vụ, quảng bá và có những thay đổi phù hợp.
 
Nhờ vậy, những HTX “hiện đại” ngày càng có chỗ đứng trên thị trường và ngay cả trong mùa dịch Covid-19, họ cũng không gặp quá nhiều khó khăn để duy trì doanh số.
 
3. Nhiều ý kiến cho rằng sự khác biệt trong truyền thông, quảng bá giữa các HTX “truyền thống” và HTX “hiện đại” chủ yếu là do các thành viên HTX “cũ” tuổi đã cao, chưa bắt kịp công nghệ, ngại đổi mới và đòi hỏi phải có sự “thay máu” đội ngũ. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, bởi nhiều địa phương rất thiếu hụt nguồn nhân lực cho các HTX, nhất là HTX nông nghiệp.
 
Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể đối với các HTX trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Đó là sự hỗ trợ “cầm tay chỉ việc”, sát sao, tận tâm từ khâu lập kế hoạch, triển khai thực hiện cho đến đánh giá, đổi mới... Có như vậy, người nông dân trong các HTX mới thực sự “làm chủ” mảnh vườn của chính mình.
 
Quảng Hạ