Phát huy vai trò của khu công nghiệp, khu kinh tế: Còn đó những khó khăn

  • 08:37 | Thứ Hai, 23/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Bình, góp phần  đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. Ban quản lý KKT tỉnh hiện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để các KCN, KKT tiếp tục phát triển mạnh và nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí.
 
Ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh cho biết, sự phát triển của các KCN, KKT của tỉnh góp phần tạo ra giá trị công nghiệp và nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, tạo động lực cho việc phát triển nhiều ngành nghề, xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng.
 
Cùng với đó, việc phát triển KCN, KKT còn góp phần hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa, tạo ra thêm nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ, thu hút lao động nông thôn.
 
Cụ thể, đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KKT ngày càng lớn và tăng đều qua các năm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2015-2018 đạt hơn 7.600 tỷ đồng, thu hút 4.600 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6,27 triệu đồng/người/tháng.
 
Năm 2019, mặc dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, song tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 4.300 tỷ đồng (trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 2.064 tỷ đồng, tương đương 88 triệu USD); thực hiện nộp thuế 188 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho 5.140 lao động với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng; tổng kim ngạch xuất khẩu qua KKT Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đạt 1,57 tỷ USD và thu phí sử dụng bến bãi đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa qua KKT được 82,2 tỷ đồng...
 
Với những kết quả đã đạt được, các KCN, KKT ngày càng đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, thực sự là khu vực quyết định sự tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh. 
Sản lượng bốc xếp qua cảng biển Hòn La đạt hơn 1,4 triệu tấn/ năm.
Sản lượng bốc xếp qua cảng biển Hòn La đạt hơn 1,4 triệu tấn/ năm.
Thực tế cho thấy, việc hình thành và phát triển các KCN, khu chức năng trong KKT đã huy động được nhiều dự án, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn, như: nhiệt điện, cảng biển sâu, chế biến vật liệu xây dựng, nông lâm, hải sản, dệt may...
 
Đến nay, các KCN, KKT đã thu hút129 dự án với tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 18,2 triệu USD. Hiện một số dự án trọng điểm khi đưa vào hoạt động sẽ là động lực phát triển cho cả vùng, tạo nguồn thu ngân sách lớn, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quảng Xuân Luxury với tổng mức đầu tư 4.455 tỷ đồng...
 
Theo Ban quản lý KKT tỉnh, để các KCN, KKT ngày càng phát triển và đóng góp tích cực hơn nữa vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ngoài sự cố gắng, nỗ lực từ phía Ban quản lý KKT tỉnh, cần sự giúp sức của các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương.
 
Trước hết, cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch các KCN, KKT phù hợp với những định hướng lớn của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và bảo đảm có sự kết nối, liên kết; gắn quy hoạch với xây dựng cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện quy hoạch và làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, thu hút đầu tư; chú trọng quy hoạch phát triển và xây dựng hệ thống các công trình nhà văn hóa, thể thao, nhà ở phục vụ công nhân phù hợp với quy hoạch phát triển KCN, KKT và thu hút nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng xã hội; hỗ trợ đầu tư công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN...
 
Ông Phạm Văn Năm cho biết thêm, do điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số KCN, KKT chưa đồng bộ. Trong khi nguồn kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương, nhưng hiện nay, kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 không bố trí vốn để đầu tư xây dựng dự án mới. Vì vậy, hạn chế rất lớn đến công tác kêu gọi, xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Do đó, đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KKT, KCN theo kế hoạch đầu tư công và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với số tiền 527,5 tỷ đồng.
 
Môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể cùng với chính sách đầu tư thông thoáng hơn. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư từ đăng ký kinh doanh đến giao đất xây dựng triển khai dự án còn dài và phải trải qua nhiều đầu mối. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của nhiều dự án gặp khó khăn do một số người dân không chịu nhận tiền đền bù dù đã giải quyết đúng quy định của pháp luật; một số hộ dân xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất, cản trở thi công...
 
Bên cạnh đó, một số dự án vì lý do khách quan và chủ quan nên tiến độ thực hiện còn chậm. Đây là những vấn đề mà Ban quản lý KKT tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vi, địa phương cần tăng cường công tác quản lý, phối hợp hiệu quả để giải quyết, xử lý kịp thời.
 
Cũng theo ông Phạm Văn Năm,vai trò thúc đẩy chuyển giao công nghệ còn chậm và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, KKT vẫn chưa cao. Hiện nay, nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp còn thiếu và chưa thu được nhiều lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Đặc biệt, hiện tại, nhiều nhà máy may tại KCN Cam Liên (Lệ Thủy) và Tây Bắc Quán Hàu không tuyển đủ số lao động vào làm việc. Đồng thời, nhà ở và các thiết chế văn hóa-điều kiện để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp-vẫn chưa được đầu tư xây dựng...
                                                                       
Đức Thành