Lệ Thủy: Mở rộng diện tích trồng cỏ phát triển chăn nuôi

  • 08:00 | Thứ Bảy, 14/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để duy trì và phát triển đàn gia súc theo hướng bền vững, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã chủ động tận dụng những vùng đất gò đồi và chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.
 
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đàn gia súc, ngoài việc vận động nhân dân tận dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, huyện Lệ Thủy đã hướng dẫn bà con trồng các loại cỏ, trong đó chủ yếu là cây cỏ voi. Nhờ đó, các hộ chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc, cân đối về dinh dưỡng, kháng được dịch bệnh, tăng thêm thu nhập.
 
Ông Dương Công Thanh, thôn Tân Bằng, xã Tân Thủy cho biết, trước đây, để tìm kiếm nguồn thức ăn cho đàn bò, ông thường chăn thả ngoài đồng cỏ. Vài năm trở lại đây, do đồng cỏ bị thu hẹp, ông chuyển gần 2 sào đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Ông Thanh cho biết thêm, cỏ voi dễ trồng, chịu hạn tốt, không đòi hỏi công chăm sóc, phát triển nhanh, giàu chất dinh dưỡng. Chỉ sau hơn 1 tháng trồng có thể cắt cho bò ăn. Thấy được hiệu quả của việc trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ đã tìm đến học hỏi và nhân rộng mô hình.
Nhiều hộ nông dân Lệ Thủy chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc nhờ mô hình trồng cỏ ngay tại vườn nhà.
Nhiều hộ nông dân Lệ Thủy chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc nhờ mô hình trồng cỏ ngay tại vườn nhà.
Cũng giống như gia đình ông Thanh, gia đình ông Nguyễn Văn Liên, thôn Tây B, xã Dương Thủy cũng đã tận dụng hơn 5 sào đất vườn để trồng cỏ phục vụ cho việc chăn nuôi đàn bò. Ông Liên nhẩm tính, bình quân mỗi con bò mua về vỗ béo, trừ chi phí sau khi bán cũng để ra được 3-5 triệu đồng/con. Từ đó, ông quyết định vay thêm vốn để đầu tư chuồng trại, phát triển mô hình nuôi bò với đầu ra khá ổn định.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện dự ước khoảng 1.392.410 con,  trong đó, đàn trâu 5.600 con, đàn bò 13.710 con (đàn bò lai có 7.720 con). Để bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc, từ đầu năm đến nay, huyện đã tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi 124ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ; đồng thời, vận động nông dân tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, như: rơm rạ, cây bắp, đậu…, làm thức ăn, nên cơ bản đàn gia súc phát triển khá tốt.
 
Thời gian tới, huyện Lệ Thủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả “Chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và môi trường bền vững” giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu của huyện là phấn đấu tăng tỷ lệ đàn trâu từ 1-2%, đàn bò từ 2-3% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ bò lai đạt trên 58% tổng đàn.
 
Để bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc, các xã, thị trấn tiếp tục khuyến khích người dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng các loại cỏ nhằm chủ động nguồn thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, các địa phương còn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, góp phần phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi.
Phạm Hà